Tăng tỷ lệ xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp là đảm bảo công bằng giáo dục

Từ năm 2013 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh về tên gọi, cách thức tổ chức, môn thi, hình thức thi, mục đích sử dụng kết quả.

Giáo dục được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Cùng với công cuộc phát triển đất nước, lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn không ngừng được cải cách, đổi mới và phát triển.

Năm 2013, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29).

Nghị quyết 29 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện phương thức thi và xét tốt nghiệp theo hướng giảm áp lực và giảm chi phí cho xã hội, đảm bảo tin cậy trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh và làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Sứ mệnh của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua từng giai đoạn

 Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024. Ảnh: Doãn Nhàn

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024. Ảnh: Doãn Nhàn

Chia sẻ về diễn tiến sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2013 đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2014 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh với một số điều sửa đổi, bổ sung quan trọng theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Nghị quyết 29.

Tuy nhiên, mục đích thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 vẫn giữ nguyên như các năm 2013 và 2012. Đó là ba mục đích đã được xác định trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 là: Đánh giá, xác nhận trình độ của người học theo mục tiêu giáo dục sau khi học hết chương trình trung học phổ thông; Làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả dạy và học của trường phổ thông; đánh giá công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả), năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Một kỳ thi với 2 mục đích này được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29. Lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được nhập chung với kỳ thi tuyển sinh đại học để mang tên Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thí sinh chỉ cần dự thi kỳ thi này và dựa vào điểm thi để xét tốt nghiệp phổ thông trung học, xét tuyển vào các trường đại học.

Cũng từ năm 2015, thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, căn cứ vào điểm số đạt được, các em mới cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp. Điều này mở ra nhiều cơ hội học đại học hơn nhưng cũng gây ra những cuộc "nộp - rút hồ sơ" nhiều tranh cãi.

Năm 2019, vừa kế thừa và vừa rút kinh nghiệm những năm trước, việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 có một số đổi mới, trong đó quan trọng nhất là ghi rõ thêm một mục đích làm căn cứ để tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 và công thức tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông cũng được đổi mới.

“Đây cũng là năm cuối cùng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức, vì từ năm 2020 kỳ thi này được gọi là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành thông tin.

Năm 2020, sau 5 năm tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được xác định rõ là nhằm ba mục đích: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của Chương trình trung học phổ thông; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; Làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông không đặt mục đích làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa. Tuy nhiên, theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh hoặc tổ chức thi tuyển sinh riêng.

Từ năm 2020 đến năm 2024, xuất hiện những kỳ thi tuyển sinh mới do các đại học, trường đại học tổ chức riêng như đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy.

Đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đề kỳ thi phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019 cũng như với các em học sinh đã hoàn thành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (bậc trung học phổ thông).

Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn là: Ngữ văn, Toán học và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Từ năm 2025, mục tiêu xét tuyển vào đại học, cao đẳng một lần nữa được nhấn mạnh và nêu rõ trong 3 mục tiêu chính của kỳ thi là: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp giúp tăng tính công bằng và cơ hội bình đẳng

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cuối tháng 6/2024, tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, trong đó vẫn đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học.

Đánh giá cao đề xuất của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận định, việc tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể giúp tạo cơ hội công bằng hơn cho học sinh ở các vùng miền khác nhau, đặc biệt là những em ở vùng sâu, vùng xa. Điều này phù hợp với mục tiêu đảm bảo công bằng trong giáo dục.

“Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chú trọng tới việc đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học. Đây là một điểm tích cực trong đề xuất này. Các trường cần có quyền quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề và mục tiêu đào tạo của mình”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận xét.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm mất đi tính đa dạng trong phương thức tuyển sinh đại học.

Đồng thời, cần đảm bảo rằng việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp không làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các trường đại học. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần được thiết kế để đánh giá được năng lực học sinh một cách toàn diện và phù hợp với yêu cầu đầu vào đại học.

Ngoài ra, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cũng nhấn mạnh đến việc cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho học sinh về mặt kiến thức và kỹ năng để đảm bảo các em sẵn sàng cho việc học tập ở bậc đại học nếu tăng tỷ lệ xét tuyển vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp.

Đặc biệt, cần xem xét tác động của chính sách này đến việc dạy và học ở bậc phổ thông, tránh tình trạng "dạy theo kiểu ứng thí" quá mức, mà vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.

“Đề xuất tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp có ý nghĩa giúp tăng tính công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, để triển khai thành công, đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau của hệ thống giáo dục, đề xuất này cần tiếp tục được nghiên cứu, tham vấn các nhà khoa học và thực hiện triển khai có lộ trình”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh.

 Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cũng cho rằng, đề xuất tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp là hợp lý trong bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Theo đó, hiện nay trường đại học sử dụng khá nhiều phương thức tuyển sinh. Việc đa dạng các phương thức tuyển sinh giúp thí sinh có thêm cơ hội để trúng tuyển đại học. Về phía cơ sở đào tạo, các trường cũng tuyển được số lượng và chất lượng theo theo mục đích của mình. Tuy nhiên, việc có quá nhiều phương thức đang gây rối cho thí sinh, chưa kể tính công bằng giữa các phương thức cũng chưa được đảm bảo.

Một số phương thức tuyển sinh như sử dụng IELTS, SAT,... khá tốn kém và không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận, đặc biệt các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Hay kể cả một số kỳ thi riêng được tổ chức khá bài bản như thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), đánh giá tư duy (Đại học Bách khoa Hà Nội) hiện nay, kỳ thi cũng chỉ phục vụ được một nhóm đối tượng nhất định.

Trong khi đó, việc tuyển sinh bằng kết quả học bạ hiện nay chưa đảm bảo được độ tin cậy, tính khách quan, công bằng và đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh. Thực tế vẫn còn sự khác nhau về cách đánh giá, cho điểm “lỏng”, “chặt” khác nhau giữa các trường, khu vực trên cả nước. Vì vậy, việc dùng kết quả học bạ để tuyển sinh có thể gây nên tiềm ẩn gian lận ở trong trường phổ thông.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp cần tăng cường hơn nữa tính phân hóa để đảm bảo dữ liệu đáng tin cậy cho các trường đại học tuyển sinh.

Đề xuất quy định khung tỷ lệ cho các phương thức tuyển sinh đại học

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khẳng định nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh. Kỳ thi là dữ liệu đáng tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh đầu vào.

Tuy nhiên, tự chủ là một thuộc tính cơ bản của giáo dục đại học, trong đó có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Điều này cũng đã được khẳng định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.

Như vậy, vấn đề đảm bảo hài hòa giữa mong muốn của Nghị quyết 29 và quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học là bài toán quan trọng được đặt ra từ thực tiễn giáo dục đại học.

Đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng cần thiết lập một khung tuyển sinh quốc gia với các tỷ lệ đề xuất cho các phương thức tuyển sinh khác nhau, bao gồm phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đó, cho phép các trường đại học tự điều chỉnh tỷ lệ trong một phạm vi nhất định (ví dụ: ±10-15%) để phù hợp với đặc thù riêng.

Ngoài ra, cần có cơ chế đánh giá và phản hồi về kết quả kỳ thi. Cụ thể, thiết lập hệ thống đánh giá định kỳ về hiệu quả của các phương thức tuyển sinh, bao gồm cả xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong phân tích so sánh với kết quả học tập ở đại học của các sinh viên được tuyển chọn theo các phương thức khác nhau. Từ đó tạo cơ chế để các trường đại học có thể phản hồi về chất lượng đầu vào sinh viên từ các phương thức tuyển sinh khác nhau.

Có chính sách hỗ trợ các trường trong quá trình chuyển đổi như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các trường đại học để điều chỉnh quy trình tuyển sinh, đặc biệt là các trường nhỏ hoặc ở vùng sâu vùng xa. Tổ chức các hội thảo, đào tạo về phương pháp đánh giá năng lực thí sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có cơ chế ưu đãi và khuyến khích thực hiện như tăng chỉ tiêu tuyển sinh, hỗ trợ ngân sách,... cho các trường áp dụng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao hơn mức đề xuất. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo rằng các ưu đãi này không ảnh hưởng đến quyền tự chủ cơ bản của các trường.

Cũng theo Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành, việc áp dụng các thay đổi theo lộ trình từng bước, bắt đầu với một số ngành học hoặc trường đại học thí điểm. Từ đó, có tổng kết, đánh giá kết quả sau mỗi giai đoạn và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Đồng thời, thực hiện các chiến dịch truyền thông để giải thích về lợi ích của việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tăng cường tư vấn cho học sinh và phụ huynh về các phương thức tuyển sinh khác nhau.

Giải pháp tăng độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, độ tin cậy kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong đó, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành đề xuất thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như cải tiến nội dung và cấu trúc đề thi để đánh giá toàn diện năng lực học sinh, phù hợp với yêu cầu đầu vào đại học ngoài yêu cầu trọng tâm là đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông. Ví dụ đa dạng hóa các hình thức thi trắc nghiệm. Xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cũng với việc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên tham gia thiết kế các câu hỏi để đảm bảo độ khó tương đương giữa các đề thi qua các năm. Tăng cường các biện pháp bảo mật, chống gian lận để đảm bảo tính công bằng và tin cậy của kỳ thi.

Chuẩn hóa quá trình chấm thi và tăng cường ứng dụng công nghệ trong khảo thí, ví dụ việc áp dụng chấm thi trắc nghiệm bằng máy để đảm bảo độ chính xác. Thực hiện chấm chéo và kiểm tra chéo đối với bài thi tự luận. Tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ chấm thi để đảm bảo tính nhất quán.

Sau mỗi kỳ thi, cần tổ chức đánh giá kết quả thi, bao gồm độ khó, độ phân biệt của từng câu hỏi. Áp dụng các phương pháp phát hiện bất thường trong kết quả thi để đảm bảo công bằng.

Ngoài ra, tính minh bạch của kỳ thi cũng phải được đảm bảo, từ việc công bố chi tiết về quy trình ra đề, tổ chức thi và chấm thi. Cho phép thí sinh phúc khảo bài thi và giải thích chi tiết về cách chấm điểm.

Về lâu dài, cần có các nghiên cứu theo dõi dài hạn để đánh giá mối tương quan giữa kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả học tập ở bậc đại học. Từ đó, sử dụng kết quả nghiên cứu để liên tục điều chỉnh và cải tiến kỳ thi.

Cuối cùng, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng, nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông là giải pháp có tính chất xuyên suốt, bền vững và căn bản nhất.

“Cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt là đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo hướng thực học, thực dạy, tránh căn bệnh ‘’lạm phát’’ điểm số học bạ.

Một ví dụ điển hình là việc xét tuyển vào lớp 6 của các trường ngoài công lập ở một số thành phố lớn khi mà kết quả học bạ của rất nhiều học sinh gần như tối đa (điểm 10) ở các môn xét tuyển dẫn đến các nhà trường phải có thêm các tiêu chí, hình thức tuyển chọn học sinh khác”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành phân tích thêm.

Chủ nhiệm Khoa - Khoa sư phạm Nguyễn Chí Thành nhận định, bằng cách áp dụng những giải pháp trên, chúng ta có thể tạo ra một hệ thống tuyển sinh vừa đáp ứng được mong muốn của Nghị quyết 29 về giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, vừa tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào và cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia giáo dục nhận định, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã quy định trường đại học được quyền tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, dù sử dụng phương thức nào, mục đích cuối cùng vẫn là tuyển được thí sinh chất lượng, phù hợp với mục đích đào tạo của nhà trường.

Vì vậy, để các trường đại học tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần truyền thông rộng rãi hơn về những điểm tích cực của kỳ thi này, trong đó yếu tố đánh giá được năng lực thí sinh là quan trọng nhất.

“Hiện nay, tự chủ tuyển sinh cho phép các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế của cách làm này.

Vì vậy, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả các phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên các phương thức hướng đến sự công bằng, giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh học sinh.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, để các trường tin cậy vào kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh thì không có cách nào khác là chứng minh qua kết quả thi. Đề thi cần thực hiện được mục tiêu đánh giá kết quả tốt nghiệp, đồng thời đảm bảo tính phân hóa cao để tuyển sinh đại học”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tang-ty-le-xet-tuyen-dh-bang-diem-thi-tot-nghiep-la-dam-bao-cong-bang-giao-duc-post244274.gd