'Tang văn minh' - mỗi cộng đồng sẽ tự suy xét có nên thay đổi
Tại mỗi vùng miền, mỗi dân tộc sẽ có nghi thức tổ chức đám tang khác nhau, tuy nhiên đều mang ý nghĩa chung là tưởng nhớ người đã khuất. Câu chuyện ở đây là hủ tục cần xóa bỏ hay nét văn hóa riêng tiếp tục là câu chuyện gây tranh cãi...
Thói quen lâu đời thành tập tục
Tại Đồng Văn (Hà Giang), chúng tôi chứng kiến đám tang của một gia đình người Mông cư trú tại một hẻm núi heo hút sát bên biên giới. Có thể vì quãng đường đi tới đây quá xa xôi và hiểm trở nên nơi này vắng vẻ và đám tang cũng chỉ toàn những người trong dòng họ. Khi chúng tôi đến, thi thể người chết được hạ xuống từ cáng treo bên hông nhà, làm lễ tiễn và dâng bữa cơm cuối cùng. Tiếng khèn Mông và tiếng khóc của người nhà diễn ra lần cuối.
Sau đó, những người đàn ông khiêng chiếc cáng đi giật lùi ra khỏi nhà rồi chạy thật nhanh trên con đường đá ra huyệt mộ đã đào sẵn. Những phụ nữ chỉ tiễn chứ không đưa, phải dừng lại ở cửa ngõ. Tại huyệt mộ, thi thể người chết mới được đưa vào áo quan và chôn. Xong nghi lễ hạ huyệt thì toàn bộ tang quyến cũng chạy thật nhanh về nhà. Tới đây mới kết thúc ít nhất 3 ngày sinh sống cùng với thi thể người chết ở trong nhà, cúng cơm hàng ngày và ăn uống phục vụ đám ma cùng nhiều thể thức nghi lễ rườm rà khác.
Giải thích vì sao tồn tại những nghi thức tang ma như vậy, chủ nhà cho biết, người Mông có tục kiêng phụ nữ không đi đưa ma. Khi đàn ông khiêng cáng ra huyệt mộ phải chạy nhanh để ma không biết đường tìm về lại nhà và khi chôn xong cũng chạy thật nhanh để ma không theo về, làm hại người sống(?). Họ tin rằng có chuyện "ma bắt" về rủ người sống chết theo. Có tồn tại một sự ám ảnh sợ hãi về chuyện "trùng tang" từ xưa để lại, truyền miệng nỗi ám ảnh đó từ người này sang người kia mà không có một chứng cứ xác thực nào về điều đó.
Hay như người Sán Chỉ (cư trú tại các tỉnh vùng núi Bắc Kạn, Cao Bằng) đến nay vẫn còn duy trì hình thức tang chế với những tập tục, kiêng kị riêng về cách "quản lý" linh hồn, khâm liệm, chuẩn bị hành trang cho người quá cố về với thế giới bên kia. Một trong những vật thiêng không thể thiếu trong tang lễ của người Sán Chỉ đó là túi đựng linh hồn. Theo quan niệm của người Sán Chỉ, nếu không có túi đựng linh hồn, người chết sẽ không thể vượt qua những chướng ngại vật để sang thế giới bên kia. Đồng thời, túi đựng linh hồn là nơi tạm thời giữ linh hồn khỏi đi lang thang, quấy nhiễu, trước khi tiến hành tang lễ. Thực chất, túi đựng linh hồn với những vật thể chứa đựng trong đó phản ánh một cách sinh động một xã hội nông nghiệp có đặc trưng tàn dư nguyên thủy kéo dài. Đó là một lối tư duy lưỡng hợp, thiên về kinh nghiệm cảm tính hơn là duy lý, ưa hình tượng hơn khái niệm, nhưng uyển chuyển linh hoạt, dễ dung hợp, dễ thích nghi.
Già làng Đặng Văn Tần (ở xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) kể với chúng tôi: "Trước khi làm lễ đưa linh cho người chết, linh hồn của tử thi sẽ được cho vào một chiếc túi bằng vải bố (thô) trong đó đã có sẵn ngọc thực (gạo), 36 đồng tiền xu và một chiếc bài vị giấy đỏ viết mực Tàu, đặt trên bàn thờ vong ở nhà ông thầy cả. Người Sán Chỉ tin rằng, làm như thế linh hồn người chết sẽ có nơi trú ngụ và sẽ không bỏ đi lang thang. Theo đó, khi đi xin nước về cúng tế trong đám tang, để có sự chứng giám của tổ tiên thì gia chủ phải mang theo túi đựng linh hồn. Trong chai nhựa đựng nước có 18 đồng xu, tượng trưng cho linh khí sức khỏe của con người. Chiếc chai này sẽ được chôn xuống dưới đất, đến khi làm ma khô thì lại đào lên".
Cần tạo sự đồng thuận
Sau diễn đàn khoa học "Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra" được tổ chức ngày 27/8, câu chuyện "tang văn minh" tiếp tục được đưa ra bàn luận tại hội thảo ngày 4/10 vừa qua. Tại đây, các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và quyền con người đã có những trao đổi khá thú vị.
Ông Hoàng Cầm – chuyên viên nghiên cứu văn hóa, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, ông vốn là người Sơn La. Bản nơi gia đình ông ở sát bản người Mông, người Thái và từng chứng kiến những cách thực hành đám tang của các tộc người này. Theo ông, việc thực hành đám tang không phải để làm cho người chết mà làm cho người sống và mỗi phong tục là mỗi cách thực hành văn hóa của một cộng đồng người. Thế nên, câu chuyện "phơi xác" của người Mông nghe rất hủ tục nhưng nếu cùng nhìn lại tập tục "sang cát" của người Kinh thì hẳn rằng có sự tương đồng ở đây.
Theo ông Cầm, việc thay đổi cách thực hành văn hóa chỉ có chủ nhân của văn hóa đó tự thay đổi. "Tự mỗi chủ nhân, tự mỗi cộng đồng sẽ biết là có nên thay đổi cách thực hành văn hóa của mình, của cộng đồng mình sinh sống hay không. Nếu họ đã muốn thay đổi thì tự bản thân họ sẽ thay đổi chứ không cần đến quy định, đề án… của chính quyền tác động đến. Còn nếu họ không muốn thay đổi thì dù có cấm, có phạt… thì họ vẫn thực hành", ông Cầm nhấn mạnh.
Bà Liên Hoa – người hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền cho rằng, chính quyền không nên can thiệp mà hãy tôn trọng ý chí của chủ nhân, tôn trọng quyền quyết định của người dân. Không chỉ riêng người Mông mà người Kinh cũng có những câu thể hiện ý chí tự quyết đó như: "Ma chê cưới trách", "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". "Ở góc độ nhà nước, điều nên làm là tôn trọng, bảo vệ và hỗ trợ các chủ nhân, chứ đừng bắt ép đi theo ý chí chung. Và việc tôn trọng đó được thể hiện ở sự tích cực đối thoại, trao đổi…", bà Hoa nói.
Tiếp tục khảo sát ý kiến của những nhà khoa học khác, nhiều người kiến nghị cần phải có các quy định, chính sách khuyến khích người dân thực hiện các hình thức mai táng mới. Tuy nhiên, những quy định, chính sách này phải dựa trên sự đồng hành với việc vận động người dân, trong đó cần phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo, tổ chức xã hội để định hướng, tạo đồng thuận trong nhân dân. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền những vấn đề liên quan đến tập quán, phong tục mai táng đến cộng đồng, người dân và xã hội.
Hỏa táng phù hợp với yêu cầu hiện nay
Điểm lại các hình thức mai táng từng tồn tại trong lịch sử, PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học nhận xét: "Thực tế từ xưa đã có những quy định khá chặt chẽ về thủ tục mai táng, đồng thời đã tồn tại song song nhiều hình thức mai táng như địa táng, hỏa táng, thiên táng. Đáng chú ý, hình thức hỏa táng hiện nay đang trở thành một xu thế cần được thúc đẩy để tạo thành một tập quán mai táng, vừa tiếp nối truyền thống tâm linh vừa phù hợp với yêu cầu hiện nay về bảo vệ môi trường, gìn giữ đất đai".