Tăng vốn để đáp ứng quy mô tăng trưởng của thị trường
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nâng hạng thị trường sẽ mở ra những cơ hội lớn cho ngành chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn của các công ty chứng khoán cần được mở rộng đủ lớn để đáp ứng sự tăng trưởng này.
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực nâng hạng thị trường, các công ty chứng khoán tích cực chuyển mình đón chờ một làn sóng tăng trưởng mới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Mekong ASEAN đã có buổi nói chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) về triển vọng thị trường cũng như những chuẩn bị của công ty cho tương lai.
Mekong ASEAN: Để chuẩn bị cho triển vọng nâng hạng thị trường cũng như hệ thống giao dịch mới KRX đi vào hoạt động, các công ty chứng khoán bước vào cuộc đua tăng vốn, VFS cũng không phải là ngoại lệ. Bà có thể đánh giá sự cấp thiết của việc tăng vốn? Đâu là lợi thế của Nhất Việt ở thị trường vốn rất khốc liệt ở hiện tại?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Với triển vọng nâng hạng thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030. Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường cũng đồng nghĩa với cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền (không ký quỹ trước giao dịch).
Chính vì vậy, nguồn vốn của các công ty chứng khoán cần phải mở rộng đủ lớn để có thể đáp ứng được điều kiện trên. Tăng vốn để đáp ứng các bài toán kinh doanh trong tương lai, phù hợp với quy mô tăng trưởng của thị trường. Điều này đã dẫn đến hoạt động tăng vốn mạnh mẽ của các công ty chứng khoán trong thời gian gần đây.
Mặt khác, việc tăng vốn là một yếu tố quan trọng tác động đến biên lợi nhuận mảng ký quỹ, mảng tự doanh, hai mảng kinh doanh quan trọng nhất của Nhất Việt trong vài năm tới khi mà quy mô, sự cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của thị trường tăng mạnh. Điều này sẽ là điểm nhấn quan trọng giúp công ty duy trì được sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận và giữ vững vị thế trong bối cảnh ngành cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Hơn nữa với nguồn vốn lớn, VFS sẽ dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
VFS không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường. Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ tăng vốn lên 2.496 tỷ đồng, để bổ sung nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh của công ty, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, cũng như đảm bảo nguồn vốn đối ứng khi thị trường chứng khoán được nâng hạng thành công.
Mekong ASEAN: Trong những năm trở lại đây, VFS là một trong những công ty chứng khoán với tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thị trường. Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của công ty vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng, đạt 2.152 tỷ đồng, tăng trưởng gấp gần 4 lần so với 4 năm về trước.
Trong năm 2023, công ty cũng đã tiến hành thay đổi nhận diện thương hiệu. Bà có thể chia sẻ yếu tố thúc đẩy sự phát triển của VFS, định hướng phát triển trong thời gian tới của công ty là gì?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục chịu nhiều biến động, VFS vẫn ghi nhận số liệu tăng trưởng tích cực nhờ những định hướng kinh doanh phù hợp: tăng quy mô vốn, phát triển thương hiệu, tập trung phát triển công nghệ và đội ngũ nhân sự.
Trong năm 2023, VFS đã chính thức tăng quy mô vốn điều lệ từ 802,5 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Công ty cũng niêm yết thành công cổ phiếu trên sàn HNX, thay đổi nhận diện thương hiệu và mở rộng nhanh chóng đội ngũ nhân sự đón đầu diễn biến hồi phục mạnh mẽ của thị trường.
Trong giai đoạn tới, VFS tiếp tục định hướng tăng quy mô vốn điều lệ, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên 2.496 tỷ đồng nhằm mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm đầu tư thông qua việc xin cấp phép kinh doanh chứng khoán phái sinh, mở rộng mạng lưới môi giới và tư vấn đầu tư, tập trung phát triển công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Mekong ASEAN: Chính phủ đang quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, đặt mục tiêu từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. Theo bà, Việt Nam cần phải làm được những gì để đạt được mục tiêu này? Việc nâng hạng thị trường có ý nghĩa gì với chứng khoán Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Thực tế, việc hiện thực hóa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam còn vướng phải nhiều rào cản, trong đó nổi cộm nhất phải kể đến 2 vấn đề then chốt: thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch và nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Theo chúng tôi, để giải quyết được những nút thắt trên thì các cơ quan chức năng cũng như các công ty chứng khoán cần nhanh chóng xây dựng được quy trình và các quy định có liên quan về việc cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền.
Đối với vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì các nhà chức trách cũng cần làm rõ và thu hẹp dần danh mục ngành nghề hạn chế sở hữu nước ngoài tại các luật liên quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng thị trường chứng khoán. Cùng với đó, theo ước tính của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Mekong ASEAN: Hệ thống giao dịch mới KRX một lần nữa lỡ hẹn khi không thể vận hành vào ngày 2/5 như dự kiến. Bà có thể đánh giá tính khả thi của hệ thống giao dịch mới này? VFS đã có chuẩn bị như thế nào trong trường hợp KRX đi vào hoạt động?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: VFS luôn tích cực tham gia vào quá trình triển khai và kiểm thử KRX theo lịch trình của các Sở Giao dịch Chứng khoán và VSD. Hiện tại, VFS đã đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, hệ thống kết nối với Sở Giao dịch Chứng khoán và VSD, cũng như hệ thống lưu trữ dữ liệu khi hệ thống KRX sẵn sàng đi vào hoạt động. Đồng thời, VFS cũng bám sát theo thông báo từ các cơ quan quản lý để thực hiện theo đúng trình tự thời gian đã thông báo.
Mekong ASEAN:Thị trường được nâng hạng cũng mở ra những quan ngại về an toàn bảo mật thông tin, sự kiện Công ty Chứng khoán VNDIRECT bị tin tặc tấn công vừa qua cũng là hồi chuông cảnh báo cho ngành chứng khoán Việt Nam. Bà có thể cho biết, VFS đã có những biện pháp phòng ngừa nào cho việc này?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Đối với công tác bảo mật thông tin và phòng chống tin tặc, VFS triển khai hệ thống an ninh bảo mật bao gồm nhiều lớp, đồng bộ, ứng dụng các công nghệ bảo mật bằng thiết bị phần cứng và phần mềm hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho tài khoản của khách hàng mở tại công ty.