Tăng vốn góp bất thường tại Saigon Co.op
Trong 6 năm gần nhất, Saigon Co.op đạt 340-760 tỷ đồng doanh thu tài chính mỗi năm. Các hợp tác xã thành viên thu về tỷ suất lợi nhuận 26-39% trên số vốn góp.
Ngày 27/7, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op), trong đó nêu rõ có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tăng vốn điều lệ năm 2020 và hành vi thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản.
Với tỷ suất lợi nhuận sau thuế 26-39% trên số vốn góp, Thanh tra TP cho rằng có cơ sở để các cá nhân và tổ chức mong muốn đầu tư vào doanh nghiệp này.
Doanh thu tỷ USD
Saigon Co.op hoạt động theo mô hình hợp tác xã (HTX), với 26 HTX thành viên. Đơn vị kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó bán lẻ mang về nguồn thu lớn nhất với hệ thống hơn 110 siêu thị Co.opMart, hơn 350 cửa hàng Co.op Food, 128 cửa hàng Co.op, gần 70 cửa hàng Co.op Smile, 22 cửa hàng Cheers và 4 đại siêu thị Co.op Extra.
Theo Deloitte Việt Nam, Co.opMart là chuỗi siêu thị chiếm thị phần lớn nhất cả nước (43%), tính đến hết năm 2019. Ở phân khúc đại siêu thị, đây cũng là hệ thống bán lẻ nội địa duy nhất cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như Big C, Lotte Mart, Aeon Mall.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op sở hữu 4 trung tâm thương mại Sense City ở Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre và TP.HCM; cửa hàng Bến Thành bên trong chợ Bến Thành và liên doanh với Mapletree (Singapore) triển khai trung tâm thương mại SC Vivo City (quận 7, TP.HCM).
Ngoài bán lẻ, doanh nghiệp này còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư với công ty con SCID và mảng xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm dầu gội, sữa tắm, thực phẩm, bút viết thông qua công ty SCD.
Đồng thời, Saigon Co.op sở hữu thương hiệu Xuân Hồng chuyên sản xuất nông sản thực phẩm và Công ty TNHH thực phẩm quốc tế Nam Dương (liên doanh với Tập đoàn Wilmar) chuyên sản xuất các sản phẩm nước tương, tương ớt, sốt.
Trong giai đoạn 2014-2019, doanh thu thuần tính riêng của Saigon Co.op tăng trưởng đều đặn 14-24% mỗi năm từ 10.790 tỷ đồng lên 23.440 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh cũng được cải thiện khi tỷ suất lợi nhuận gộp tăng dần từ 5% vào năm 2014 lên 9% năm 2019.
Ngoài ra, Saigon Co.op còn ghi nhận 340-760 tỷ đồng doanh thu tài chính mỗi năm. Năm gần nhất 2019, nguồn thu từ hoạt động tài chính của Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM là 460 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi doanh thu thuần tăng trưởng, chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí bán hàng của Saigon Co.op, cũng tăng nhanh. Trong 4 năm gần nhất, chi phí bán hàng đều vượt lãi gộp của doanh nghiệp trên dưới 250 tỷ, chưa kể chi phí quản lý doanh nghiệp bình quân hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Hậu quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op từ năm 2017 đến 2019 đều âm. Khoản mục này trên báo cáo kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất của Saigon Co.op lần lượt là -300 tỷ, -1.320 tỷ, -1.250 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhờ vào nguồn thu nhập khác hàng nghìn tỷ, Saigon Co.op vẫn có lợi nhuận sau thuế rất lớn. Từ năm 2014 đến 2019, lãi ròng của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM dao động từ 830 tỷ đến 980 tỷ đồng. Trong đó, kỷ lục lợi nhuận thuộc về năm 2016 với khoản lãi sau thuế 1.470 tỷ.
Chia sẻ với Zing ngày 28/7, đại diện Saigon Co.op từ chối đưa ra bình luận về các kết luận của Thanh tra TP.HCM. Tuy nhiên, vị này cho hay những kết luận này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.
"Kết luận thanh tra chủ yếu xoáy vào sai phạm trong việc tăng vốn điều lệ, nhưng thực tế phần vốn tăng thêm mới đây chưa được đưa vào sử dụng. Cơ quan chức năng còn tiếp tục xem xét, trong giai đoạn này hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op vẫn diễn ra bình thường", vị này khẳng định.
Vốn góp gấp hơn 300 lần vốn điều lệ
Kết luận của Thanh tra TP.HCM nêu rõ việc tăng vốn điều lệ năm 2020 của Saigon Co.op được thực hiện chưa đúng quy định và có nhiều điểm bất thường. Một số HTX thành viên đạt mức lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn HTX có lợi nhuận chỉ 24-500 triệu đồng lại góp hàng trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây có vốn điều lệ 571 triệu đồng hồi cuối năm 2019, nay tăng lên hơn 3,1 tỷ đồng, nhưng số vốn góp vào hơn 952 tỷ đồng.
Đến nay, 20 trong số 26 HTX thành viên đã tham gia góp vốn tổng cộng gần 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra TP cho rằng nguồn vốn này được một số HTX huy động từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Điều này trái với Nghị quyết số 12/NQ-ĐHTV của Đại hội thành viên bất thường lần 1 năm 2020 của Saigon Co.op.
Theo Thanh tra TP, do tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn góp của các HTX thành viên đạt được 26-39%, nên nhu cầu đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Do đó, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu.
Cơ quan này nhận định, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm quyền sở hữu tài sản chung và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Kết luận thanh tra khẳng định, việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Những sai phạm nêu trên được cho là thuộc trách nhiệm của HĐQT Liên hiệp HTX, Thành viên Liên hiệp HTX, ban tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan các thời kỳ.
Trong diễn biến mới, chiều 27/7, ông Diệp Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op bị tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy và các vai trò trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Saigon Co.op.
Ông được Thành ủy TP.HCM chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và được giới thiệu bầu làm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op từ tháng 8/2015.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tang-von-gop-bat-thuong-tai-saigon-coop-post1112631.html