Tánh Linh có thêm giống lúa triển vọng mới

Trong vụ mùa 2020, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện mô hình khảo nghiệm 6 giống lúa OM, trong đó 2 giống được đánh giá triển vọng nhất là OM 18 và OM 344. Đây là cơ sở để bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống tại địa phương trong thời gian tới.

Tánh Linh có thêm giống lúa triể

Những ngày này, nhiều trà lúa vụ mùa của huyện Tánh Linh đang thu hoạch rộ. Tại cánh đồng thôn 4, xã Bắc Ruộng, nông dân địa phương và các xã lân cận có dịp đi tham quan mô hình khảo nghiệm lúa giống mới của huyện. Nhờ áp dụng phương pháp cấy máy, nên từng hàng lúa thẳng tắp, trĩu vàng bông nhờ bón phân cân đối. Có 6 giống lúa được khảo nghiệm gồm OM 7347, OM429, OM355, OM344, OM18 và giống đối chứng OM 5451. Trong buổi hội thảo đầu bờ tại ruộng, các cơ quan chuyên môn và nông dân địa phương đã đánh giá cao và chọn ra được giống lúa có tính thích nghi nhất. Đặc biệt thông qua mô hình đã giúp nông dân thấy được hiệu quả từ việc cấy lúa giảm lượng giống ban đầu. Đồng thời, hạn chế lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, mang lại năng suất và chất lượng.

Giống lúa triển vọng OM 18.

Giống lúa triển vọng OM 18.

Ông Ngô Tiến Thành - Giám đốc HTX Bắc Ruộng (đơn vị thực hiện mô hình) cho biết: Trong vụ mùa này, HTX thực hiện khảo nghiệm 1,6 ha giống mới. Các trà lúa được xuống giống từ đầu tháng 9/2020. Kết quả bước đầu cho thấy 6 giống lúa trong mô hình đều có khả năng thích nghi rộng, thời gian sinh trưởng ngắn, đẻ nhánh khỏe, cứng cây. Các giống lúa đều thể hiện được tiềm năng, năng suất cao. Trong đó, theo các ý kiến đánh giá tại buổi hội thảo đầu bờ, trong số các giống lúa khảo nghiệm, giống lúa OM 18 và OM344 đạt hiệu quả, năng suất nhất. Đặc biệt, thông qua mô hình đã giúp nông dân địa phương thấy được hiệu quả từ việc cấy lúa, giảm lượng giống ban đầu. Mặt khác, hạn chế việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác…

Ông Nguyễn Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh đánh giá thêm: Qua theo dõi cho thấy các giống khảo nghiệm đều có thời gian sinh trưởng từ 95 - 105 ngày đối với lúa cấy, các giống trổ trung bình từ 4-5 ngày, đều cứng cây. Ngoài ra, đánh giá ngoài đồng cho thấy mức độ sâu cuốn lá, sâu đục thân phát triển theo từng giai đoạn không nhiều, tình hình dịch bệnh đạo ôn nhiễm nhẹ trên tất cả các giống nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của các giống.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Tánh Linh có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về sản lượng và chất lượng. Trong đó, tổng diện tích sản xuất lúa của toàn huyện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng. Hiện nay huyện đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng toàn diện, bền vững tập trung phát triển theo chiều sâu vùng lúa chất lượng cao. Qua đó, nhằm tăng năng suất, chú trọng chất lượng và tiết kiệm nguồn nước tưới, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức khảo nghiệm các giống lúa triển vọng và chọn giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại và thích nghi điều kiện khí hậu của địa phương là rất cần thiết.

Hội thảo đầu bờ là dịp để đánh giá thực tế khách quan tại đồng ruộng và kết hợp với năng suất thực tế để chọn ra giống lúa có tính thích nghi nhất. Qua đó, làm cơ sở để bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống tại địa phương trong thời gian tới. Để có thêm giống lúa triển vọng mới, huyện Tánh Linh cũng đề nghị Viện lúa ĐBSCL tiếp tục thực hiện mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới từ viện và cung cấp nguồn giống mới. Song song, chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân của huyện ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp…

Giống lúa OM 18 và OM 344 được lai tạo bởi Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất dự tính từ 6 - 8 tấn/ha ở vụ mùa.Về đặc tính, hạt gạo OM18 thon dài, cơm mềm và ngọt; gạo OM344 hạt gạo đẹp, cơm trắng, mềm và dẻo…

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tanh-linh-co-them-giong-lua-trien-vong-moi-133793.html