Lương tăng, cuộc sống còn vất vả nhưng nhiều GV có thể phải đóng thuế thu nhập

Mức nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng được thực hiện từ năm 2020 đến nay đã trở nên bất cập.

Kể từ 01/7/2024, lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng khiến cho hàng triệu nhà giáo vui mừng nhưng nếu áp mức tính thuế thu nhập cá nhân như hiện nay sẽ khiến cho người lao động nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng chưa có được niềm vui trọn vẹn.

Bởi lẽ, mức nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng đã được thực hiện từ năm 2020 đến nay. Vì thế, lần tăng lương cơ sở 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7 có thể sẽ có rất nhiều giáo viên phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Thực tế cho thấy, khi tăng lương cơ sở nhiều giáo viên có mức thu nhập hằng tháng trên 15,4 triệu đồng, những giáo viên có thâm niên trên 30 năm công tác sẽ có mức lương ngoài 20 triệu đồng. Trong khi, nhiều giáo viên ở cái tuổi này, các con của họ đã học hành xong, cha mẹ không còn nữa nên hết người phụ thuộc.

 Từ ngày 01/7/2024, lương cơ sở được điều chỉnh lên mức 2.340.000 đồng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Từ ngày 01/7/2024, lương cơ sở được điều chỉnh lên mức 2.340.000 đồng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đa phần giáo viên sẽ có mức thu nhập trên 11 triệu đồng/ tháng

Hiện nay, đối với người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/ năm) nhưng không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi, mức lương này trở lên khi áp dụng lương cơ sở 2.340.000 ở các trường học sẽ chiếm đa số. Chỉ trừ một số giáo viên mới vào nghề và chưa được chuyển sang hạng II mà thôi.

Bởi lẽ, thông thường nếu giáo viên học đại học, khi ra trường khoảng 22-23 tuổi. Những người học trung cấp, cao đẳng sư phạm ngày trước ra trường còn sớm hơn. Sau đó, họ học hàm thụ đại học và chuyển ngạch lương.

Hơn nữa, ngày trước ra trường là được phân công công việc nên giáo viên không bị gián đoạn về thời gian chờ đợi. Khi nhận nhiệm sở, giáo viên có bằng đại học sẽ nhận mức lương bậc 1, hệ số 2,34.

Vì thế, nếu là giáo viên Trung học cơ sở hoặc giáo viên Trung học phổ thông hạng III thì sau khoảng 22 năm công tác (những giáo viên này này đang ở độ tuổi 43-45) sẽ có mức lương bậc 8 (nếu là hạng III).

Cách tính lương bậc 8 (hạng III) sẽ là: hệ số 4,65 + 30% phụ cấp ưu đãi (hệ số 1,40) + 21% phụ cấp thâm niên (hệ số 0,98) = 7,03 (tổng hệ số lương). Hệ số 7,03 x lương cơ sở 2.340.000 = 16.450.200 đồng.

Nhưng, cũng chừng ấy năm công tác mà là giáo viên hạng II thì giáo viên đang ở mức lương bậc 3 và hệ số cao hơn một chút. Cách tính lương sẽ là: hệ số 4,68+ 30% phụ cấp ưu đãi (hệ số 1,40) + 21% phụ cấp thâm niên (hệ số 0,98) = 7,06 (tổng hệ số lương). Hệ số 7,06 x lương cơ sở 2.340.000 = 16.520.400 đồng.

Với chính sách tiền lương giáo viên những năm qua, nếu không vi phạm bị kỷ luật, cứ 3 năm tăng 1 bậc lương với hệ số 0,33 nên càng giáo viên có thâm niên nhiều, lương càng cao. Nếu có thành tích, sẽ được nâng lương trước hạn 6 tháng, 9 tháng, hoặc 12 tháng (tùy vào thành tích) theo chu kỳ.

Thực tế, tại một số trường Trung học cơ sở hiện nay có những giáo viên ở độ tuổi 45 đã đang hưởng lương bậc 4 (hạng II) nên có tổng hệ số lương là 7,99 (nếu kiêm nhiệm tổ trưởng) sẽ có tổng thu nhập hằng tháng là 18.696.600 đồng.

Vì thế, phần nhiều giáo viên ở các trường ở độ tuổi 45 trở lên sẽ nằm ở ngưỡng đóng thuế thu nhập cá nhân. Càng nhiều tuổi và có thâm niên cao thì càng có khả năng phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn, nhất là khi giáo viên đã ngoài tuổi 50- mức lương dao động trên dưới 20 triệu đồng.

Bởi lúc này, phần nhiều con em họ đã học hành xong, cha mẹ thì nhiều người đã không còn. Hoặc còn, nhưng gia đình có nhiều anh em mà đang hưởng lương thì người này đã kê khai người phụ thuộc, người khác sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Vì vậy, lần tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng này có một bộ phận lớn giáo viên ở các nhà trường sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi không còn người phụ thuộc.

Thu nhập 11 triệu đồng/ tháng phải đóng thuế thu nhập liệu có còn phù hợp?

Thực tế cho thấy, khi tăng lương cơ sở lên 2.340.000, chưa cần nói đến giáo viên 20 hoặc 30 năm tuổi nghề mà một giáo viên chỉ độ 10 năm tuổi nghề (ngoài 30 tuổi), được chuyển sang lương hạng II, bậc 1, hệ số 4,0 (theo Thông tư 08/2023/ TT-BGD-ĐT), cộng với phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi sẽ có mức lương trên 11 triệu đồng/ tháng.

Nếu không có người phụ thuộc, tất nhiên những giáo viên này thuộc diện phải đóng thuế thu nhập.

Bởi lẽ, theo Điều 1, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 đã quy định mới về mức giảm trừ gia cảnh cụ thể như sau: “Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng”.

Chính vì lương cơ sở tăng, mức đóng thuế thu nhập cá nhân chưa được điều chỉnh nên dẫn đến những bất cập. Rõ ràng, mức nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng được thực hiện từ năm 2020 đến nay đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Bởi, lương cơ sở tăng thì mức tính đóng thuế cũng phải tăng theo. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hiện cao hơn so với trước, nếu vẫn giữ nguyên mức áp thuế thu nhập cá nhân cũ thì người lao động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nếu mức nộp thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh cùng với việc tăng lương cơ sở sẽ phù hợp và giúp cho người lao động, trong đó có giáo viên được hưởng niềm vui trọn vẹn hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/luong-tang-cuoc-song-con-vat-va-nhung-nhieu-gv-co-the-phai-dong-thue-thu-nhap-post243846.gd