Tánh Linh hướng đến phát triển công nghiệp
Làm lúa và những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đã giúp người dân cải thiện đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh duy trì làm nông nghiệp theo công nghệ cao để tăng chuỗi giá trị kinh tế, Tánh Linh còn hướng đến phát triển công nghiệp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Hình thành nhiều cụm công nghiệp
Năm 2022, thời tiết bất thường do có mưa nhiều và dài ngày nhưng sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh tiếp tục duy trì ổn định. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 34.255 ha, đạt 100,8% kế hoạch năm, bằng 99,6% so với năm 2021. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 186.492 tấn, đạt 100,8% kế hoạch năm. Cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả ổn định diện tích 29.116 ha. Đối với cây thanh long do giá thấp nên người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, diện tích 19,4 ha. Nguồn nước bơm tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo. Diện tích bơm tưới phục vụ sản xuất khoảng 21.497 ha đạt 100% kế hoạch năm. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và phương án củng cố tổ thủy nông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát.
May công nghiệp ở Tánh Linh. Ảnh: N. Lân
Bên cạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao Tánh Linh đã quy hoạch và đang đi theo lộ trình phát triển công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2030 Tánh Linh sẽ có một số cụm công nghiệp hoạt động, trong đó có những cụm công nghiệp đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục để đi vào hoạt động, nổi bật có các cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Nghị Đức có diện tích 10 ha (trong đó quỹ đất dành cho công nghiệp là 6,8061 ha), do Công ty TNHH Đức Mạnh làm chủ đầu tư hạ tầng. Công ty TNHH Đức Mạnh đang triển khai thực hiện xong báo cáo đánh giá tác động môi trường cụm công nghiệp Nghị Đức. Ngành nghề hoạt động là chế biến mặt hàng nông lâm sản. Sửa chữa gia công cơ khí, di dời các lò gạch thủ công để chuyển đổi sang công nghệ lò hoffman, gia công dệt may, giày da. Hiện nay, Công ty TNHH Đức Mạnh đã san lấp mặt bằng cụm, đầu tư hoàn thành tuyến đường giao thông (tuyến số 1) với tổng kinh phí 5 tỷ đồng và 1 trạm xăng dầu trong cụm với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Hiện đã kêu gọi được 1 nhà đầu tư thứ cấp Công ty TNHH BL LEATHERBANK và hoàn thiện hợp đồng thuê đất để đầu tư xây dựng dự án với diện tích khoảng 5 ha, lấp đầy khoảng 80% diện tích đất công nghiệp trong cụm.
Kiến nghị gỡ khó
Cụm công nghiệp Lạc Tánh với diện tích 19 ha (trong đó quỹ đất dành cho công nghiệp là 11,8932 ha). Do Công ty TNHH MTV cao su Linh Kiệt đầu tư hạ tầng và thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong cụm. Đã triển khai thực hiện hoàn thành hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất, hồ sơ đánh giá tác động môi trường và quy hoạch chi tiết và định hướng mở rộng đến 60 ha trong giai đoạn 2026 – 2030. Ngành nghề hoạt động là chế biến mủ cao su, sản xuất các sản phẩm từ cao su, các ngành nghề hỗ trợ phục vụ hoạt động chế biến cao su. Chế biến hàng nông sản, chế biến gỗ, gia công may mặc, giày da, chế biến thức ăn gia súc, chế biến tinh bột mì. Cụm công nghiệp Gia An với diện tích khoảng 40 ha. Do Công ty TNHH MTV Cao su Tiến Nga làm chủ đầu tư. Hiện trạng đất trồng cây lâu năm (cây cao su), công ty đang lập thủ tục hồ sơ xin chủ trương đầu tư theo quy định. Dự kiến ngành nghề hoạt động là chế biến mủ cao su. Nhóm các dự án sản xuất điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, chế tạo, sửa chữa và lắp ráp cơ khí. Nhóm ngành sản xuất hương liệu, hóa mỹ phẩm, hóa dược phẩm. Nhóm sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, chế biến gỗ.
Cụm công nghiệp Lạc Tánh 2 tại thôn 2, xã Gia Huynh do Công ty cổ phần sản xuất gạch men xuất khẩu Á Mỹ đăng ký làm chủ đầu tư với diện tích 50 ha. Hiện trạng đất trồng cây lâu năm (cây cao su). Hiện nay công ty đang lập thủ tục hồ sơ xin chủ trương đầu tư theo quy định. Dự kiến ngành nghề hoạt động nhóm các dự án sản xuất điện gia dụng, điện tử, điện lạnh. Chế tạo, sửa chữa và lắp ráp cơ khí. Nhóm ngành sản xuất hương liệu, hóa mỹ phẩm, hóa dược phẩm. Nhóm sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, chế biến gỗ. Nhóm ngành công nghiệp dệt, may, giày da; Nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo, nhóm ngành nghề dịch vụ, kho bãi. Cụm công nghiệp Suối Kiết do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương Mại Đỗ Gia làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 50 ha; hiện trạng đất trồng cây lâu năm (cây cao su); ngành nghề dự kiến là nhóm các dự án sản xuất điện gia dụng, điện tử, điện lạnh. Chế tạo, sửa chữa và lắp ráp cơ khí. Nhóm ngành sản xuất hương liệu, hóa mỹ phẩm, hóa dược phẩm. Nhóm sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, chế biến gỗ. Nhóm ngành công nghiệp dệt, may, giày da, nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo. Cụm công nghiệp Gia An 2 do bà Nguyễn Thị Ngọc đăng ký làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 26 ha. Hiện trạng đất trồng cây lâu năm (cây cao su). Công ty đang lập thủ tục hồ sơ xin chủ trương đầu tư theo quy định. Dự kiến ngành nghề hoạt động là chế biến mủ cao su. Nhóm các dự án sản xuất điện gia dụng, điện tử, điện lạnh. Chế tạo, sửa chữa và lắp ráp cơ khí. Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo. Cụm công nghiệp Gia Huynh do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Cao su Sài Gòn đăng ký làm chủ đầu tư với diện tích 50 ha. Công ty đang lập thủ tục hồ sơ xin chủ trương đầu tư theo quy định. Dự kiến ngành nghề hoạt động là nhóm các dự án sản xuất điện gia dụng, điện tử, điện lạnh; Chế tạo, sửa chữa và lắp ráp cơ khí. Nhóm ngành sản xuất hương liệu, hóa mỹ phẩm, hóa dược phẩm. Nhóm sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, chế biến gỗ. Nhóm ngành công nghiệp dệt, may, giày da, chế biến nông lâm, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo. Nhóm ngành nghề dịch vụ, kho bãi. Nhóm dự án sản xuất sản phẩm nhựa. Các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm.
Một góc đô thị thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh. Ảnh: N. Lân
Có thể nói Tánh Linh đang có lợi thế khi cao tốc tuyến Phan Thiết - Dầu Giây đi qua có 2 điểm nối quốc lộ 55 và ĐT 720, đây là khu vực Tánh Linh có diện tích đất rừng sản xuất rất lớn (đất trồng cao su, keo lá tràm...), để tạo quỹ đất phát triển kinh tế địa phương các sở ngành cần tham mưu UBND tỉnh thu hồi thực hiện phát triển Công nghiệp và dịch vụ đối với những diện tích phù hợp tại địa phương. Xem xét có cơ chế linh động điều chuyển vị trí quy hoạch, giảm các quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Với huyện miền núi Tánh Linh còn khó khăn, UBND tỉnh nên có một số chính sách riêng, nhằm giữ chân nhà đầu tư trong khi chờ quy hoạch được duyệt đối với các nhà đầu tư tâm huyết đến địa phương để đầu tư hạ tầng công nghiệp. Có được điều này Tánh Linh sẽ bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ hơn...
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tanh-linh-huong-den-phat-trien-cong-nghiep-104972.html