Tánh Linh: Khai thác tiềm năng du lịch huyện miền núi
Cách TP. Phan Thiết khoảng 100 km và không nằm trong vùng trọng điểm phát triển du lịch Bình Thuận, song Tánh Linh cũng đã từng bước khai thác tiềm năng của huyện miền núi với nhiều thành phần đồng bào dân tộc sinh sống…
Tại Tánh Linh, đồng bào dân tộc thiểu số hiện chiếm khoảng 13% dân số toàn huyện, gồm nhiều thành phần: Chăm, Raglai, Chơ ro, Cờ ho, Dao, Hrê, Hoa, Khơ me, Mường, Nùng, Tày, Thái… Từ điều kiện tiềm năng của huyện miền núi, Tánh Linh xác định tập trung phát triển các loại hình du lịch trọng tâm như sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại, khám phá, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng.
Thời gian qua, Tánh Linh đã triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, qua đó rà soát nội dung và chọn triển khai thí điểm một số mô hình phù hợp giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó có mô hình khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, tổ chức tham quan dưới tán rừng gắn với chăm sóc bảo vệ rừng để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc Cơ ho tại khu vực suối Tà Mỹ - xã La Ngâu. Mô hình này được triển khai nhằm đưa hoạt động của các hộ dân có nhu cầu đầu tư phát triển du lịch đã manh nha xuất hiện trước đó vào quản lý theo quy định. Đồng thời hướng dẫn thực hiện điều kiện về đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, trật tự xây dựng, môi trường cũng như thông báo và cho các hộ dân ký cam kết sẽ ngừng hoạt động khi xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3…
Bên cạnh đó, địa phương cũng triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra còn thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống như Khu di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng, Lễ hội Kỳ Yên ở Đình làng Lạc Tánh, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số… đều được quan tâm khôi phục, giữ gìn, bảo tồn và trùng tu.
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh, địa phương đã tổ chức thành công Ngày hội giao lưu văn hóa đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh vào giữa tháng 4 vừa qua tại Khu du lịch sinh thái Thác Bà. Được biết, hoạt động này góp mặt tất cả 7 xã - thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và thu hút đông đảo bà con, du khách cùng tham dự. Bên cạnh đó Huyện đoàn Tánh Linh đã phối hợp xây dựng mã QR chỉ dẫn cho 2 địa điểm là Khu di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng và Khu du lịch sinh thái Thác Bà để quảng bá điểm đến trên địa bàn huyện… Với công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa phát triển du lịch Tánh Linh cũng được chính quyền địa phương quan tâm, nhất là ở những địa bàn cơ sở có tiềm năng phát triển như Đồng Kho, La Ngâu, Đức Bình, Đức Thuận, Gia An, Lạc Tánh. Mặt khác còn tích cực hướng dẫn đơn vị lữ hành và các nhà báo tìm hiểu tiềm năng phát triển du lịch huyện nhà tại khu vực hồ Biển Lạc (xã Gia An), đập dâng Tà Pao và Núi Long (xã Đồng Kho), Thác Bà (xã Đức Thuận)...
Thêm thuận lợi nữa là tuyến đường bộ ĐT.720 được kết nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tánh Linh và các địa phương khác trong, ngoài tỉnh. Nhờ đó tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện cũng như mua sắm những sản phẩm đặc trưng nơi đây (gạo Tánh Linh, cá thát lát Tánh Linh, tinh bột nghệ Đông Đan…). Tới đây, địa phương tập trung phát triển du lịch đi đôi với đa dạng các dịch vụ thương mại như dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, lưu trú, vận tải, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi… nhằm phục vụ tốt cho hoạt động du lịch tại Tánh Linh. Tánh Linh cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ngành liên quan, góp phần tạo điều kiện cho địa phương triển khai giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.
Thực tế cho thấy, du lịch Tánh Linh mới đang ở bước hình thành và hiện nay chỉ có 1 dự án quy mô được doanh nghiệp đầu tư là Khu du lịch sinh thái Thác Bà, thế nên việc tận dụng khai thác chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của huyện nhà. Dù vậy trong năm vừa qua, huyện Tánh Linh đã đón hơn 62.000 lượt khách tham quan và dự kiến năm 2023 đón trên 70.000 lượt khách, hướng đến sớm hoàn thành chỉ tiêu đón 80.000 lượt khách vào năm 2025…