Tánh Linh: Khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể
Thời gian qua, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh đã triển khai nhiều biện pháp trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), sản phẩm làm ra từ các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) được thị trường đón nhận, doanh thu cao hơn năm trước. Tuy nhiên, việc phát triển KTTT nơi đây còn nhiều khó khăn, các HTX chưa có bước đột phá trong kinh doanh…
UBND huyện Tánh Linh cho biết, ngay từ đầu năm nay, huyện đã ban hành kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; kế hoạch triển khai Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị thành viên Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện đã chỉ đạo phối hợp lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giúp các HTX giảm chi phí, nâng dần năng lực cạnh tranh. 13/13 xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch phát triển KTTT năm 2024. Nhờ đó, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX, quỹ tín dụng vẫn duy trì ổn định, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của KTTT trong nền kinh tế chung của huyện. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục hướng trọng tâm vào phục vụ lợi ích của xã viên bằng các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng hơn được xã viên ủng hộ.
Đến nay, Tánh Linh có 24 THT với 158 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa giống, thủy nông, làm đất, thu hoạch; có 16 HTX và 2 quỹ tín dụng. HTX có 316 thành viên, bình quân 18 người lao động/HTX với doanh thu bình quân 800 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh và phương án sản xuất kinh doanh HTX đã xây dựng. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình có 3 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao cấp huyện đợt 1 năm 2024, trong đó có 2 sản phẩm đang đề nghị tỉnh công nhận 4 sao (gạo Đức Lan), HTX Sầu riêng Đức Phú được công nhận 3 sao. Song song đó, các quỹ tín dụng nhân dân vẫn tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng, kiểm soát tốt nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu thấp (0,77%); tín dụng tăng trưởng khá (11%). Các thành viên thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong dân, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần bảo đảm an ninh xã hội ở địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua rà soát của ngành chức năng cho thấy, hầu hết các HTX trên địa bàn có quy mô nhỏ về thành viên, vốn điều lệ thấp, điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Ngoài ra, cơ sở vật chất (trụ sở, máy móc thiết bị…) hầu như không có. Các HTX nông nghiệp chậm đổi mới, ít ngành nghề, chỉ tập trung vào một vài loại hình dịch vụ như thủy nông, làm đất, mua bán phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân các HTX chưa có bước đột phá kinh doanh ngành nghề mới, lợi ích đem lại cho xã viên chưa nhiều, điều đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của nông dân, xã viên khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Các xã viên trong HTX hoạt động độc lập, thiếu liên kết, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Mặt khác, UBND cấp xã chưa quan tâm trong việc thành lập Ban Chỉ đạo, một số xã chỉ vận động thành lập HTX để đối phó nên có HTX chỉ tồn tại hình thức, góp vốn trên danh nghĩa.
Thời gian tới, Tánh Linh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển KTTT, bởi đây là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường; đồng thời khen thưởng, nhân rộng các mô hình KTTT hoạt động hiệu quả, giải thể các hợp tác xã yếu kém. Tiếp tục có văn bản hướng dẫn phát triển KTTT để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn, nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với KTTT, giúp các tổ chức KTTT phát triển bền vững. Tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phát triển KTTT, nhất là các chính sách hỗ trợ về xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống của các tổ chức KTTT…