Tạo bệ phóng cho tài năng trẻ sân khấu tỏa sáng

Vừa qua, liên tiếp những cuộc thi toàn quốc dành cho tài năng ở các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Cải lương, tuồng và dân ca kịch, chèo, nhạc cụ dân tộc được tổ chức cho thấy sự quan tâm đầu tư đặc biệt đối với việc tìm kiếm, phát hiện nhân tài. Nhiều tác phẩm, tiết mục được những tài năng trẻ biểu diễn ở các cuộc thi là minh chứng sống động về một nền sân khấu yêu nước, nhân văn, gắn bó với nhân dân, với dân tộc, là nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển bền vững đất nước.

Lửa nghề vẫn cháy

Vượt qua những khó khăn do bão lũ, từ ngày 22 đến 28-10 vừa qua, 44 tài năng trẻ của loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đến từ các đơn vị nghệ thuật trong cả nước đã hội tụ tại sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định ở TP Quy Nhơn để so tài. Hay như trước đó, ở cuộc thi toàn quốc hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban tổ chức đã phải tổ chức tại 5 địa điểm trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng cũng thu hút tới gần 700 nghệ sĩ, nhạc công. Còn tại cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, trước đây là “sân chơi” cho các thí sinh phía Nam, năm nay được nâng tầm thành cuộc thi toàn quốc. Gần nhất là cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo diễn ra tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đã cho thấy mạch nguồn tiếp nối và niềm đam mê nghệ thuật truyền thống chưa bao giờ vơi cạn, dù sau những giây phút thăng hoa trên sân khấu, trút bỏ những xiêm y của ông hoàng, bà chúa, bước ra khỏi cổng nhà hát lấp lánh ánh đèn, không ít người lại đối diện với chuyện "cơm áo gạo tiền".

Diễn viên chèo Phạm Văn Hóa (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) sau khi hóa thân tròn vai trong trích đoạn “Lưu Bình-Dương Lễ” đã có những phút vui mừng nhận Huy chương Vàng (HCV) của Cuộc thi “Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020”. Nhưng khi được hỏi về công việc và nghệ thuật chèo đam mê theo đuổi hơn 10 năm qua, chàng diễn viên không khỏi chạnh lòng. Là người dân tộc Mường (ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) thuộc thế hệ 9X, Văn Hóa hiện là một trong 12 diễn viên còn trụ lại được với nghề, nhưng để giữ được ngọn lửa đam mê nghệ thuật chèo, Hóa đã phải làm nhiều nghề khác, từ dẫn chương trình, biểu diễn phục vụ đám cưới, hội nghị cho đến bán hàng online...

 Tiết mục biểu diễn tại Cuộc thi “Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020”.

Tiết mục biểu diễn tại Cuộc thi “Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020”.

NSND Trương Hải Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam tại Thanh Hóa cho biết: “Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa hiện có 86 định biên với 4 đoàn nghệ thuật. Nhờ có đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đoàn nghệ thuật truyền thống của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VHTTDL), nên Thanh Hóa đã đào tạo được một lứa gồm 12 diễn viên, đạt trình độ rất tốt. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình, các em không được ký hợp đồng lao động, không được vào biên chế vì số lượng định biên ở nhà hát có hạn. Hiện nay, chỉ còn hai trong số 12 em trụ lại nhà hát nhưng làm việc không hưởng lương, không có chế độ gì. Khi nào nhà hát dựng vở thì các em mới được tham gia và có tiền bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn”.

Khó khăn là vậy, nhưng trên sân khấu của những cuộc thi tài năng trẻ, giới làm nghề và khán giả vẫn thấy sức trẻ hồn nhiên, nhiệt huyết mê say với chất giọng đầy đặn truyền cảm và tươi sáng trong diễn xuất của những cô Thị Màu lẳng lơ lên chùa ghẹo tiểu; cô Đào Huế ra Bắc tìm chồng, đánh ghen; những ông hề già cười ra nước mắt... Các thí sinh tại cuộc thi tài năng trẻ tuồng và dân ca kịch lại chứng tỏ được bản lĩnh, sự vững vàng trong nghề, khẳng định họ đã và sẽ là những hạt nhân nòng cốt, sung sức của hai loại hình nghệ thuật này thông qua các trích đoạn kinh điển, mẫu mực như: “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Tiêu Anh Phụng loạn trào”, “Đào Tam Xuân đề cờ”, “Kim Lân qua đèo”...

Đầu tư tốt mới cho “quả ngọt”

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, sở dĩ trên sân khấu các cuộc thi có được lứa diễn viên trẻ tài năng, là do trong các năm vừa qua, nhiều nhà hát đã phối hợp đào tạo với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội theo Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước của Bộ VHTTDL. Ở độ tuổi rất trẻ, mới 21-22, nhưng các em đã bộc lộ rất rõ tài năng, các em không chỉ nắm chắc về kỹ thuật hát, múa, diễn xuất cơ bản mà còn thẩm thấu được tình cảm của từng nhân vật trong các trích đoạn, điều này thể hiện họ đã trang bị cho mình một phông kiến thức văn hóa nhất định. Tuy nhiên, NSND Lê Tiến Thọ cũng bày tỏ lo lắng, sân khấu có giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại với nghề hay không là bài toán vô cùng nan giải. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hiện tại thì ngay cả với những nghệ sĩ đã có danh hiệu cũng khó có thể chuyên tâm được với nghề. Thậm chí, cả khi các đơn vị nghệ thuật đỏ đèn thì với khung bồi dưỡng hiện thời chỉ khoảng 200.000 đồng cho một đêm diễn không đáp ứng chi phí tối thiểu hằng ngày. Hầu hết các tài năng lại loay hoay bươn chải kiếm sống như hát tại nhà hàng, hát đám cưới, sự kiện... Khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy, tài năng sẽ bị mai một.

 Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho 10 thí sinh Cuộc thi “Tài năng sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020”. Ảnh: TẤT HÀO

Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho 10 thí sinh Cuộc thi “Tài năng sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020”. Ảnh: TẤT HÀO

Có thể thấy ngành nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống đang đứng trước hàng loạt bất cập về chế độ, chính sách, nhưng rất khó điều chỉnh bởi nhiều đơn vị phải phụ thuộc ngân sách địa phương. Ðịa phương nào quan tâm thì đời sống nghệ sĩ và hoạt động của đơn vị nghệ thuật được phát triển. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh Ninh Bình cho biết, công tác đào tạo diễn viên trẻ luôn được địa phương tạo điều kiện, vì vậy, từ năm 2005 trở lại đây, Ninh Bình đã đào tạo trực tiếp tại địa phương được 4 khóa diễn viên, đang đào tạo tiếp khóa thứ 5. Các diễn viên trẻ sau khi tốt nghiệp được nhận về công tác tại nhà hát, khi diễn viên trẻ dự thi trở về có giải thưởng cao sẽ được nhận khen thưởng của UBND tỉnh. Chăm lo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trẻ như tỉnh Ninh Bình, có lẽ là hy hữu trong bối cảnh chung hiện nay của sân khấu.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Bên cạnh những khó khăn của nghệ thuật sân khấu, thì từ các cuộc thi thấy những điều đáng mừng, đó là đã có những đơn vị nghệ thuật rất quan tâm, chú trọng công tác đào tạo lực lượng trẻ kế cận và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ đăng ký tham gia cuộc thi. Lớp diễn viên trẻ hôm nay đã kế thừa, tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống. Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các cuộc thi và công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, qua việc đang gấp rút xây dựng đề án tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030. Cục cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật trong thời gian tới”.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tao-be-phong-cho-tai-nang-tre-san-khau-toa-sang-645187