Táo bón do uống thuốc kháng sinh, khắc phục thế nào?
Thuốc kháng sinh thường rất hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác nhau. Nhưng thuốc có nguy cơ gây táo bón, vậy làm gì để khắc phục?
1. Vì sao thuốc kháng sinh gây táo bón?
Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc được kê đơn để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
Thuốc kháng sinh có thể gây táo bón theo hai cách:
Đầu tiên là ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột (làm mất cân bằng vi khuẩn).
Thứ hai là làm cạn kiệt các khoáng chất quan trọng cần thiết để hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất.
Cơ thể chúng ta có một cộng đồng lớn gồm đủ loại vi khuẩn sống trong ruột giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn cũng như loại bỏ chất thải. Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt nhiều vi khuẩn có lợi gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến nhiều loại bệnh đường ruột, có thể bao gồm cả táo bón.
Ngoài việc tác động đến vi khuẩn đường ruột, kháng sinh có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ một số khoáng chất quan trọng như magiê. Mức magiê đẩy đủ đảm bảo chuyển động thích hợp của ruột, thư giãn các cơ của ruột để thức ăn có thể đi qua đường tiêu hóa. Đó là lý do vì sao thiếu magiê thường gây táo bón.
Ngoài ra, việc dùng nhiều loại thuốc làm tình trạng táo bón nặng hơn. Người lớn tuổi và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ dễ bị táo bón do thuốc. Các triệu chứng của táo bón bao gồm đi đại tiện ít hơn ba lần một tuần; phân cứng hoặc nhỏ, vón cục; đi đại tiện khó khăn; đau đớn; hoặc có cảm giác đi không hết sau khi đi đại tiện.
2. Làm thế nào để khắc phục táo bón do uống thuốc kháng sinh?
Táo bón có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nhưng người bệnh không nên tự ý ngừng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh bao gồm thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng, tăng cường vận động sẽ là những chiến lược chung để điều trị táo bón và giúp giảm đau do táo bón gây ra.
Nếu tình trạng táo bón vẫn không khắc phục được có thể sử dụng:
- Sử dụng men vi sinh: Men vi sinh giúp bổ sung vi khuẩn đường ruột bị phá hủy có thể có lợi trong trường hợp bị táo bón.
- Thuốc nhuận tràng: Trong trường hợp táo bón nặng, có thể sử dụng thuốc nhuận tràng để giúp giảm táo bón. Tuy nhiên cần tuân thủ liều lượng và dùng thuốc trong thời gian ngắn. Vì lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Phần lớn các trường hợp táo bón xảy ra khi dùng thuốc kháng sinh thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn, hoặc các tác dụng phụ khác ngày càng trầm trọng hơn cần liên hệ ngay với bác sĩ. Hơn nữa, nếu táo bón vẫn không thuyên giảm sau khi ngừng dùng thuốc kháng sinh, nên đi khám.
3. Làm thế nào để ngăn ngừa táo bón khi dùng thuốc kháng sinh?
Các tốt nhất để ngăn ngừa táo bón là tránh tự ý dùng thuốc. Thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác như phát ban, buồn nôn và khó chịu ở dạ dày. Trong một số trường hợp, thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như: Sốc phản vệ, kháng kháng sinh... Vì vậy, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý dùng thuốc hoặc dùng theo đơn thuốc của người khác.
Nếu bị bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, để ngăn ngừa táo bón và giữ cho đường tiêu hóa hoạt động tốt, cần thực hiện:
- Uống đủ nước: Táo bón thường xảy ra do mất nước nên cần uống đủ nước để giữ nước và ngăn ngừa táo bón.
- Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ giúp hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, nếu muốn tránh táo bón, nên duy trì lượng chất xơ nạp vào.
- Vận động nhẹ nhàng: Nghỉ ngơi rất quan trọng khi bị ốm, nhưng để ngừa táo bón, vẫn nên vận động nhẹ nhàng, vì không chỉ giúp ích cho hệ tiêu hóa mà còn giúp cơ thể nhanh phục hồi.