Tạo bước chuyển căn bản cho khu vực nông thôn

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu 'Đến năm 2025 thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố...'. Mục tiêu lớn này sẽ tạo bước chuyển căn bản cho khu vực nông thôn và nâng cao đời sống người dân, song cũng đòi hỏi nỗ lực và những giải pháp căn cơ trong nhiệm kỳ mới.

Khách du lịch tìm hiểu về sản phẩm truyền thống tại khu trưng bày các sản phẩm làng nghề ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Những mục tiêu cao hơn

Tính đến tháng 10-2020, Hà Nội có 7 huyện, thị xã, 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 92,9%); 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với những kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) đánh giá: Nhiệm kỳ qua, thành phố có 4/16 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đã hoàn thành sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra. Kết quả, Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dù kết quả đạt được là rất lớn, song, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, chương trình vẫn còn một số hạn chế. Đó là, trong khi nhiều huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện thì tại một số địa phương, như: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên còn nhiều xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo còn chênh lệch lớn giữa các huyện ven đô và các huyện xa trung tâm...

Trên cơ sở thực tiễn, Nghị quyết Đại hội XVII đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố...”.

Những chỉ tiêu này là phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô và cả nước. So sánh về mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại Nghị quyết Đại hội XVII với Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Chu Phú Mỹ nêu ý kiến: Tại Nghị quyết Đại hội XVI, Hà Nội mới đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 80% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; 10 huyện, thị xã trở lên đạt/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Song, với Nghị quyết Đại hội XVII, Hà Nội đặt ra nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là chỉ đạo rất "trúng", bởi xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm “khởi đầu” nhưng không có điểm “kết thúc”. Khi các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì phải tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Và, khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, tất yếu phải xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp thành phố.

“Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các tiêu chí đánh giá, chấm điểm sẽ tăng, theo đó, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao. Đây là quyết tâm rất lớn của thành phố Hà Nội”, ông Chu Phú Mỹ nói.

Tiếp tục tạo đột phá mới

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XVII, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng 10 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa, trong đó, có Chương trình số 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân giai đoạn 2021-2025”. Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ cho biết, UBND thành phố sẽ xây dựng đề án, kế hoạch triển khai; thành lập Ban Chỉ đạo chương trình số 04 làm cơ sở để các địa phương thực hiện.

Là huyện dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng thông tin, huyện đặt quyết tâm rất cao; dự kiến hết năm 2020, Đan Phượng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao ở 100% số xã. Huyện cũng chỉ đạo các xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại huyện Phúc Thọ, thời điểm này đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang thực hiện các bước để hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng cho biết, Phúc Thọ xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, Phúc Thọ triển khai đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch; hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn; tiếp tục kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, hiện đại, tạo sức bật cho nông thôn mới.

Là địa phương còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn bày tỏ: “Bên cạnh nỗ lực rất lớn từ các cấp, các ngành, các địa phương, với những huyện chưa cân đối được thu - chi ngân sách, nguồn lực đầu tư hạn chế..., rất cần thành phố có cơ chế hỗ trợ như bố trí vốn đầu tư công trình hạ tầng về trường học, giao thông, thủy lợi..., đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Dưới góc độ cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng cho biết, địa phương đang tích cực phối hợp với Hội Nữ trí thức Hà Nội và các cơ quan liên quan xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Để xây dựng được mô hình này sẽ có nhiều khó khăn, song cán bộ và nhân dân địa phương sẽ quyết tâm thực hiện để xây dựng quê hương giàu, đẹp hơn.

Có thể thấy, Nghị quyết Đại hội XVII đặt ra yêu cầu cao hơn so với nhiệm kỳ 2015-2020. Điều đó đồng nghĩa với đòi hỏi các sở, ngành, địa phương cần có kế hoạch, đề án, các giải pháp căn cơ, phù hợp thực tiễn triển khai tại cơ sở nhằm tiếp tục tạo những đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/982282/tao-buoc-chuyen-can-ban-cho-khu-vuc-nong-thon