Tạo bước chuyển cho giáo dục mầm non

Giáo dục mầm non (GDMN) được xem là 'giai đoạn vàng' cho sự phát triển trí tuệ và là bậc học nền tảng để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong những năm qua, GDMN của nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển xã hội hiện nay, chương trình GDMN hiện hành đang đặt ra nhiều thách thức cần phải thay đổi để bảo đảm cho trẻ phát triển tốt nhất trong những năm đầu đời.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chương trình GDMN hiện nay được ban hành từ năm 2009 và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sửa đổi, bổ sung nội dung năm 2016. Theo đó, chương trình được xây dựng dưới dạng chương trình khung, bảo đảm tính khoa học, vừa sức với trẻ, phát triển từ dễ đến khó, bảo đảm sự liên thông giữa các độ tuổi, giữa các cấp học, chuẩn bị cho trẻ từng bước hòa nhập vào cuộc sống; thể hiện được quan điểm của GDMN là giáo dục toàn diện, tích hợp và lấy trẻ làm trung tâm. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, các cơ sở GDMN đã có sự phát triển chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và bước đầu có những chuyển biến hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Một trong những kết quả nổi bật của chương trình GDMN là việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi vào năm 2017, đánh dấu bước chuyển quan trọng của bậc học này.

 Học sinh Trường Mầm non Mai Dịch (Hà Nội) tham gia hoạt động trải nghiệm tại trường.

Học sinh Trường Mầm non Mai Dịch (Hà Nội) tham gia hoạt động trải nghiệm tại trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận: “Sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình GDMN hiện hành chưa đáp ứng được một số yêu cầu của thực tiễn. Để tiệm cận xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, chương trình cần phải được chỉnh sửa, giải quyết một số vấn đề bất cập như: Áp lực giáo viên, thay đổi nội dung, hướng dẫn chương trình học để bảo đảm tính pháp lý, có cơ sở để các địa phương quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ”.

Đánh giá cách tiếp cận và triển khai chương trình GDMN trong những năm qua có nhiều tiến bộ, đã cập nhật tình hình thế giới, song từ thực tế tại các địa phương, bà Lê Anh Lan, Phụ trách GDMN của UNICEF Việt Nam, cho rằng: “Thời gian qua, điều kiện của một số địa phương khi triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên gặp khó khăn trong việc nâng cao năng lực để tiếp cận với những đổi mới trong chương trình và kết nối với các bậc học cao hơn. Thực tế ở những vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi thấy, các thầy, cô giáo chưa có kỹ năng triển khai giáo dục hòa nhập với đối tượng trẻ khuyết tật. Hoặc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hiện nay, số trường mầm non không đủ để đáp ứng nhu cầu”.

Theo thông lệ quốc tế, bất kể chương trình của một quốc gia nào sau khoảng 10 năm triển khai thực hiện thì cũng phải có những rà soát, đổi mới để cập nhật với xu hướng mới. “Hiện nay, Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục trong 10 năm tới. Chúng ta cũng đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đây là lúc chương trình GDMN cần phải điều chỉnh để đáp ứng với chương trình GDPT mới và chiến lược phát triển giáo dục của nước ta trong 10 năm tới, đồng thời đáp ứng, cập nhật với tình hình mới trong và ngoài nước”, bà Lê Anh Lan nêu quan điểm.

Tiệm cận xu thế hội nhập quốc tế

Thực tế, chương trình GDMN của mỗi quốc gia trên thế giới được xây dựng dựa trên các quan điểm khác nhau theo châu lục, vùng, miền, lãnh thổ. Trong đó, quan điểm chung theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, phát triển toàn diện, giáo dục hòa nhập, quan tâm đến cá nhân trẻ, công bằng và bình đẳng, chú trọng đến sự chuyển tiếp chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1. Những quan điểm này không độc lập mà được tích hợp với nhau, tác động và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình giáo dục trẻ.

Cả nước hiện có 15.501 trường mầm non, trong đó trường công chiếm 80,4%. Hầu hết các xã đều có trường mầm non. Số liệu cập nhật cuối năm học 2018-2019 cho thấy, số trẻ đến cơ sở GDMN là hơn 5.473.000 trẻ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đi học ở các cơ sở GDMN còn thấp, chỉ chiếm 28,5%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn cao, chiếm 24,9%, nhất là các vùng, miền khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, tạo áp lực lớn cho đội ngũ nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở các khu vực, vùng, miền chưa đồng đều; giáo dục hòa nhập trẻ mầm non khuyết tật còn nhiều khó khăn.

Để tiệm cận xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho rằng: “Chương trình GDMN cần đổi mới dựa trên nguyên tắc lấy trẻ làm trung tâm, hướng đến hình thành các giá trị và năng lực của trẻ. Chương trình phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có sự học hỏi các thành tựu trong phát triển chương trình ở các nước và bảo đảm hòa nhập, công bằng với mọi trẻ em, phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các địa phương; đồng thời phải có sự liên thông tốt với chương trình GDPT mới”.

Từ kết quả triển khai chương trình GDMN hiện hành tại địa phương, bà Đinh Thị Bích Thủy, Phó trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT TP Hà Nội bày tỏ mong muốn: Chương trình GDMN cần phải đổi mới trên tinh thần phát huy những điểm mạnh của chương trình hiện hành, tiếp tục xây dựng chương trình dưới dạng khung; cần nghiên cứu bổ sung 3 nội dung: Khuyến khích các cơ sở GDMN cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ thông tin và giáo dục về bình đẳng giới. Ngoài ra, chương trình cần xây dựng bộ công cụ và tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, cha mẹ về phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ có nguy cơ chậm phát triển và trẻ em khuyết tật.

NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-buoc-chuyen-cho-giao-duc-mam-non-606971