Tạo bước đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Với các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể, các địa phương cùng thống nhất quan điểm và quyết tâm xây dựng, liên kết để phát triển và cùng nhau đi xa hơn…
Cơ sở để tỉnh, thành định hướng phát triển
Với 11 tỉnh thành, trong đó 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, 7 địa phương trong vùng đã nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng ĐBSH là 1 trong 2 "đầu tàu" kinh tế của cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài khu vực đứng thứ hai, chiếm 31,4% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được trong 35 năm qua. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Honda, Canon, Foxconn, Toyota… cũng đã chọn vùng ĐBSH để đầu tư. Vùng có hệ thống giao thông, trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao…
Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành. Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%...
Tầm nhìn đến năm 2045, ĐBSH là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, đào tạ
o, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng mới nhằm giúp vùng ĐBSH phát triển đột phá… Đây là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và ban hành kế hoạch hành động của từng đơn vị, hoàn thành trong tháng 2/2023.
Phát triển hạ tầng giao thông, tận dụng lợi thế địa phương để liên kết
Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp để phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). TP Hà Nội đang khẩn trương triển khai và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2027 đường Vành đai 4; phấn đấu chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 5 trước năm 2030. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị điều phối liên kết vùng; cơ chế chuyển dịch kinh tế vùng tiếp tục cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với tăng trưởng về công nghệ kinh tế xanh, kinh tế số…
Còn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Ký nhấn mạnh, sẽ tập trung phát triển dự án nhằm tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch.
Tiềm lực và tiềm năng của khu vực vùng ĐBSH được đánh giá là rất mạnh. Điểm thuận lợi là các địa phương trong Vùng đang có sự ủng hộ của T.Ư, sự đồng lòng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của nội bộ chính quyền các địa phương và sự ủng hộ của người dân, DN. Đặc biệt, có sự có mặt của các đối tác, các DN, nhà đầu tư lớn mang lợi ích dài hạn.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có quy hoạch nhà máy điện rác, điện gió tại TP Hải Phòng làm cơ sở triển khai các dự án sử dụng năng lượng tái tạo của TP...
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để vùng ĐBSH dẫn dắt cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cần sớm hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt gắn với các cực tăng trưởng để khai thác, phát huy tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh riêng có và vai trò “đầu tàu” của các cực tăng trưởng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với các địa phương mới trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên… “Không dàn đều phát triển công nghiệp theo địa giới hành chính; các địa phương xác định rõ ngành công nghiệp ưu tiên và có sự bàn bạc, phối hợp, liên kết chặt chẽ để phát triển kinh tế biển, logistics; phát triển điện gió…” - ông Diên nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT - Chủ tịch Điều hành Tập đoàn CMC kiến nghị “Xây dựng ĐBSH thành trung tâm dịch vụ dữ liệu khu vực (Digital Hub), góp phần chuyển đổi số và xây dựng kinh tế số” trong đó, cần đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, trí tuệ nhân tạo của cả nước, tính đến trục kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, mở thêm cáp quang trên đất liền, xây dựng hệ thống xử lý chính của các hạ tầng ứng dụng thành phố thông minh (Smart City)…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng khẳng định, “phải bảo đảm chi cho khoa học công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu của sự phát triển, quan tâm đến việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo”.
Cơ chế chính sách đột phá, huy động tối đa nguồn lực để phát triển
Tại hội nghị phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực vùng ĐBSH vừa diễn ra, nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục chọn vùng ĐBSH để mở rộng kinh doanh. Thống kê ban đầu cho biết, gần 10 tỷ USD với 30 dự án được các đối tác phát triển, các nhà đầu tư cam kết hỗ trợ và rót vốn. Tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu…
Nhiều dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội để bán và cho thuê” ở Hải Phòng với tổng mức đầu tư 4.865,16 tỷ đồng của Công ty Thai-Holding; Dự án “Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1” với tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng của Công ty Giải pháp năng lượng VinES; Dự án “Khai thác tàu container”, với tổng mức đầu tư 1.383 tỷ đồng, của Công ty Liên doanh Zim Hải An...
Ngoài các nhà đầu tư nhận chứng nhận đăng ký đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ triển khai các dự án quy mô lớn tại vùng ĐBSH. Chẳng hạn, Dự án bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại AEON MALL Hoàng Mai, Giáp Bát với tổng mức đầu tư 6.058 tỷ đồng; Dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây trị giá 1.730 tỷ đồng; Dự án khu vui chơi trải nghiệm cho trẻ em Kizdzania, vốn đầu tư 401 tỷ đồng; Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; Dự án mới sản xuất các sản phẩm điện, điện tử và âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, của Goertek Vina...
Bộ KH&ĐT cũng ký biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác đại diện 6 đối tác phát triển là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, để thu hút đầu tư, phải đẩy mạnh xây dựng hạ tầng; tích cực hơn nữa trong cắt giảm thủ tục hành chính; có cơ chế ưu tiên để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên; có thái độ bình đẳng, lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư "lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Thứ nhất là phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Có hạ tầng kết nối tốt, có không gian phát triển tốt và đặc biệt là hạ tầng giao thông thì chi phí logistics mới giảm được, thu hút đầu tư vào đây, hàng hóa mới cạnh tranh được. Thứ hai, tích cực hơn nữa hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà, không gây chi phí phát sinh, để nhà đầu tư không thêm chi phí, không phải chạy vạy mất thời gian. Thứ ba, rà soát các vấn đề liên quan đến thể chế…".
Đối với các nhà đầu tư, DN, đối tác, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đồng hành; giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSH; có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục đàm phán; thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Chúng ta còn phải tiếp tục hoàn thiện một số công cụ quan trọng khác, ví dụ như về quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư từ ngân sách để đảm bảo được sự lan tỏa và hiệu quả của nó. Cái tầm của vùng và tạo ra sự lan tỏa từ đó mạnh hơn nữa trong không chỉ nội vùng, mà còn với liên kết các vùng khác, tác động cho các vùng khác và liên kết, tác động tới cả nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-buoc-dot-pha-cho-vung-dong-bang-song-hong.html