Tạo bước khởi đầu tốt đẹp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Hôm nay (5-9), học sinh cả nước náo nức chào đón Lễ khai giảng năm học 2020-2021 và cũng là Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một bộ phận học sinh ở những địa phương thực hiện giãn cách xã hội không trực tiếp đến trường dự lễ khai giảng năm học mới, nhưng các em vẫn bắt gặp nhiều ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của bạn bè và thầy giáo, cô giáo trên màn hình trực tuyến.
Với phương châm vừa tạo điều kiện cho thầy và trò có không khí vui tươi trong ngày đầu tựu trường, vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt, lễ khai giảng năm nay sẽ trở thành một phần ký ức học đường khó phai đối với nhiều học sinh và nhà giáo.
Cách đây 75 năm (tháng 9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Với tình cảm yêu thương vô bờ bến và niềm tin sâu sắc dành cho thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai dân tộc, Bác Hồ đã căn dặn và mong muốn học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của nền giáo dục cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sáng và lãnh đạo, 75 năm qua, ngành giáo dục nước ta đã gặt hái được những thành quả to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và phát triển nhân tài cho đất nước. Các thế hệ nhà giáo Việt Nam đã đoàn kết một lòng vượt mọi khó khăn, nỗ lực sáng tạo trong công tác giảng dạy và các hoạt động giáo dục, thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”.
Trên nền tảng kết quả những năm học trước, ngành giáo dục cơ bản hoàn thành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2019-2020. Giáo dục mầm non được phổ cập sâu rộng trong toàn quốc, tuyệt đại đa số trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Giáo dục phổ thông (GDPT) tiếp tục có những bước chuyển biến khá vững chắc, tạo tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới. Chất lượng giáo dục đại học được củng cố, giữ vững và có nhiều mặt tiến bộ hơn. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế tiếp tục gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào, góp phần khẳng định, tôn vinh trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam trên thế giới.
Điều đáng ghi nhận trong năm học vừa qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có thời điểm đội ngũ giáo viên và học sinh trong cả nước phải ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội để tham gia phòng, chống dịch bệnh, nhưng với tinh thần “tạm ngưng đến trường nhưng không dừng việc học”, các hoạt động dạy học, giáo dục được triển khai linh hoạt, sáng tạo, phong phú, góp phần bảo đảm cho các kế hoạch, nhiệm vụ năm học được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả. Năm nay, lần đầu tiên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, được dư luận xã hội đánh giá tốt.
Trong bối cảnh đất nước, xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, để thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021, đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục kiên trì vượt khó, bám sát và thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Trong đó, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên trong năm học này là thực hiện đúng lộ trình triển khai chương trình GDPT mới; chủ động rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình dạy lớp 1. Đồng thời, bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa lớp 1 cho tất cả học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo cần bám sát nội dung chương trình đổi mới giáo dục, tích cực dạy học sáng tạo gắn với chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp cho học sinh; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường thật sự thân thiện, lành mạnh, xứng đáng là “cái nôi” nuôi dưỡng tri thức, bồi đắp nhân cách văn hóa cho thế hệ trẻ nước nhà.
Năm học 2020-2021 là dấu mốc rất quan trọng, là bước khởi đầu trong tiến trình đi sâu vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Với những thành tựu giáo dục đã đạt được trong hơn 7 thập niên qua và những kết quả bước đầu sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó, sáng tạo, cống hiến hết mình vì sự nghiệp “trồng người” của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hy vọng rằng ngành giáo dục nước nhà tiếp tục thu hái được những “quả ngọt” trong năm học mới, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia văn minh, cường thịnh.
Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong những năm qua, hệ thống nhà trường quân đội đã quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, không ngừng đổi mới và ngày càng nâng cao chất lượng GD&ĐT, nghiên cứu khoa học; tập trung đầu tư toàn diện, từng bước xây dựng mô hình "nhà trường thông minh". Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, hệ thống nhà trường quân đội tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và quân đội.