Tạo bước tiến mới cho hoạt động thư viện

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) vừa tổ chức hai hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Thư viện. Với nhiều điểm đổi mới so với Pháp lệnh Thư viện, Luật Thư viện nếu được thông qua kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để ngành thư viện phát triển trong tình hình mới.

Tuy nhiên, mấu chốt để thư viện hoạt động hiệu quả vẫn là tinh thần đổi mới, năng động sáng tạo, lấy người đọc làm chủ thể, cùng với đó là sự quan tâm đầu tư của xã hội cho thiết chế văn hóa quan trọng này.

Đòi hỏi từ thực tế

Sau 17 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện cũng như văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động thư viện. Dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song về cơ bản, dự thảo Luật Thư viện đã có nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá, đó là: Chú trọng quan tâm đến các dạng tài liệu điện tử; cho phép thành lập thư viện tư nhân; tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được phép thành lập thư viện; đánh giá hiệu quả hoạt động làm căn cứ để đầu tư, hỗ trợ kinh phí… Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH, TT&DL), Phó trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật Thư viện, cho biết: “Dự thảo Luật Thư viện có 6 chương 52 điều nhằm tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và xã hội đối với một thiết chế văn hóa đặc thù không thể thiếu. Luật Thư viện cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng các thế hệ bạn đọc tương lai, để việc đọc sách, báo trở thành một phong trào trong xã hội”.

Mặc dù đã có những quy định mới nhưng dự thảo Luật Thư viện lần này dường như chủ yếu quan tâm đến hệ thống thư viện công lập, chứ chưa thực sự chú trọng khuyến khích, hỗ trợ hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách dòng họ ngoài công lập phục vụ cộng đồng. Ngay ở điều kiện đăng ký hoạt động thư viện ngoài công lập, dự thảo yêu cầu thư viện có vốn tài liệu từ 5.000 bản sách trở lên và phục vụ từ 1.000 bạn đọc thường xuyên. Đây là những con số quá cao đối với những thư viện ngoài công lập, gây khó khăn cho việc đăng ký hoạt động; không có tư cách pháp nhân thư viện ngoài công lập sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là không nhận được những đầu tư, hỗ trợ cụ thể hóa từ chủ trương, chính sách của Nhà nước. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Thế Cường, chủ sở hữu thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện gia đình Phạm Thế Cường (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), bày tỏ băn khoăn: “Thư viện gia đình chúng tôi hiện nay có 55.000 bản sách nhưng lượng khách thường xuyên chỉ có 40 người, song vẫn được cấp phép hoạt động bởi Nghị định số 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (năm 2009) chỉ yêu cầu 500 bản sách, có ít nhất 10 chỗ ngồi đọc mà không yêu cầu về số lượng bạn đọc thường xuyên, không yêu cầu phải có nhà kho cũng như những điều kiện mà nhận xét của riêng chúng tôi là không phù hợp. Nếu không có những điều chỉnh sát thực tế, thư viện tư nhân ở nhiều nơi khó đáp ứng điều kiện được công nhận để hoạt động chuyên nghiệp”.

 Chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu đọc sách tại thư viện lưu động (tháng 4-2018). Ảnh:MINH TRƯỜNG.

Chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu đọc sách tại thư viện lưu động (tháng 4-2018). Ảnh:MINH TRƯỜNG.

Thư viện không chỉ là nơi chứa sách

Hai chức năng cơ bản lâu nay của thư viện là lưu trữ, cung cấp thông tin, tư liệu và tổ chức hướng dẫn, thúc đẩy văn hóa đọc cho nhân dân. Hệ thống thư viện công lập và một số thư viện tư nhân cơ bản đã hoàn thành tốt chức năng thứ nhất, riêng với chức năng thứ hai thì chưa có nhiều chuyển động tích cực. Đây là một trong những nguyên nhân để lý giải vì sao Nhà nước đã cố gắng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, vốn tài liệu cho ngành thư viện nhưng hiệu quả chưa tương xứng, chưa đạt mục tiêu nâng cao dân trí, việc đọc sách và tra cứu thông tin chưa trở thành nếp sống đẹp, thời lượng dành cho đọc sách của người dân Việt Nam rất thấp (không đến 10 giờ/tuần) so với các nước trong khu vực.

Dự thảo Luật Thư viện đã có những điều khoản đáng chú ý để nâng cao vị trí thư viện là “nhạc trưởng” cùng các ngành liên quan và toàn xã hội nâng cao văn hóa đọc. Trước tiên, dự thảo nhấn mạnh người sử dụng dịch vụ thông tin thư viện là trung tâm trong nguyên tắc hoạt động. Ngày nay, khi văn hóa đọc đang bị cạnh tranh và có phần lép vế trước các sản phẩm văn hóa nghe nhìn và các hình thức giải trí khác, hệ thống thư viện phải thực sự chuyển mình đổi mới thu hút người sử dụng tìm đến và mang thông tin, tư liệu mời gọi người dân sử dụng. Nhiều thư viện hiện nay chỉ tổ chức các sự kiện văn hóa đọc, hướng dẫn đọc sách trong vài ba ngày lễ mà chưa chủ động tổ chức thành các sự kiện thường niên. Đại tá Trần Thị Bích Huệ, Giám đốc Thư viện Quân đội, cho biết: “Do đặc thù đóng quân phân tán, để cán bộ, chiến sĩ hình thành thói quen đọc sách, Thư viện Quân đội chủ động tìm đến các đơn vị để phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, giao lưu, tọa đàm tác giả-tác phẩm... Ngoài ra, thư viện mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ để có thể tổ chức những xe thư viện đa phương tiện lưu động về với các đơn vị quân đội, nhất là vùng sâu, vùng xa, phục vụ cả nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân”.

Trò chuyện với nhiều lãnh đạo thư viện địa phương, trường đại học, chúng tôi ghi nhận sự phấn khởi, tin tưởng khi Luật Thư viện ra đời sẽ trao quyền chủ động để các thư viện tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn lâu nay, kinh phí hoạt động cho thư viện trường học công lập từ ngân sách Nhà nước ít hay nhiều lại tùy thuộc mức độ quan tâm của lãnh đạo nhà trường. Nếu có quy định cụ thể về kinh phí hoạt động thường niên thì thư viện các trường sẽ chủ động đổi mới sáng tạo thu hút học sinh, sinh viên đến với thư viện.

Theo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, Luật Thư viện sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Thời gian không còn nhiều nhưng hy vọng dự thảo Luật Thư viện sẽ tập trung làm rõ các vấn đề như cơ chế, chính sách cho hoạt động thư viện để bảo đảm hoàn thành cả hai chức năng. Có như vậy, thư viện mới thực sự là thiết chế văn hóa, khoa học và giáo dục; nếu không sẽ chỉ đơn thuần là nơi chứa sách và không tránh khỏi nguy cơ bị sáp nhập vào bảo tàng, trung tâm văn hóa mà một số địa phương đang có dự định này.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tao-buoc-tien-moi-cho-hoat-dong-thu-vien-549627