Tạo bứt phá mới cho nông sản Thủ đô

Xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực để tạo bứt phá cho nông sản Thủ đô là nét mới trong chiến lược phát triển của nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2020-2025… Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội cần tạo cơ hội bứt phá mới cho nông sản Thủ đô từ việc xuất khẩu những sản phẩm có thế mạnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.

Nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường

- Thủ đô Hà Nội có hơn 10 triệu người sinh sống và làm việc - một thị trường rất lớn về tiêu thụ nông sản nhưng thực tế năng lực sản xuất của thành phố chưa đáp ứng được hết nhu cầu tiêu dùng, vậy tại sao Hà Nội lại xác định xuất khẩu là một khâu đột phá quan trọng của ngành Nông nghiệp, thưa ông?

- Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lên tới hơn 195,8 nghìn héc ta (chiếm 58,3% diện tích tự nhiên) nhưng do dân số đông nên sản xuất nông nghiệp nói chung mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn đặt vấn đề xuất khẩu nông sản - đặc sản có lợi thế và coi đây là một cơ hội bứt phá mới cho sản phẩm nông nghiệp Thủ đô. Bởi lẽ, nông sản xuất khẩu mang tới nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường.

Thực tế cho thấy, các vùng sản xuất hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu đồng nghĩa là các vùng sản xuất sạch và người dân được hưởng lợi từ cuộc sống xanh trong môi trường an toàn (đất, nước, không khí)... Còn về giá trị kinh tế, đơn cử như nhãn chín muộn xuất khẩu có giá bán cao gấp 5-7 lần so với trong nước, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân; tạo động lực cho người sản xuất mở rộng các mô hình nông nghiệp chất lượng cao.

Ở khía cạnh khác, các quy định khắt khe về mẫu mã, chất lượng sản phẩm chính là thước đo giá trị nông sản Hà Nội. Khi các sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản,… thì thương hiệu đã tăng đáng kể. Chúng ta có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu ngưng trệ, nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao đã được người tiêu dùng nội địa đón nhận tích cực. Như vậy, nông sản xuất khẩu chính là đòn bẩy giúp tiêu thụ ở thị trường nội địa phân khúc cao thuận lợi hơn, giá trị hơn.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về tiềm năng và điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản của Hà Nội xuất khẩu cũng như năng lực và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô khi tham gia lĩnh vực này?

- Từ việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất hàng hóa, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng nông sản - đặc sản chất lượng cao và đã có một số sản phẩm xuất khẩu, hướng tới hội nhập quốc tế như nhãn chín muộn xuất khẩu tới Mỹ, Malaysia; gạo Japonica tới Đức; hoa giống tới Nhật Bản; chuối tới Trung Quốc…

Với vai trò Thủ đô và tính chất riêng về địa lý kinh tế, Hà Nội có khả năng gắn kết các địa phương thuộc “Vùng Thủ đô Hà Nội” và các vùng kinh tế khác trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, quản lý, có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến. Đồng thời cũng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh, thành phố cũng như nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới... Đây là nguồn lực lớn cho việc phát triển nông sản xuất khẩu trên địa bàn. Mặt khác, bản thân ngành Nông nghiệp Hà Nội hằng năm đều thử nghiệm và cung ứng đa dạng các loại giống cho năng suất, chất lượng cao và xây dựng được nhiều chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh…

Trên cơ sở những lợi thế đó, thời gian qua Hà Nội đã quy tụ được nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các vùng sản xuất chuyên canh như Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Greenpath Việt Nam, Công ty Nam Thiệu... và tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

Từng bước tháo gỡ các khó khăn

- Những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nông sản Hà Nội đem đến những hy vọng và mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp không ít thách thức ở phía trước. Ông có thể cho biết những hạn chế nào mà nông sản Thủ đô cần vượt qua để chiếm lĩnh các thị trường quốc tế?

- Hạn chế lớn nhất hiện nay là sản xuất của Hà Nội phần lớn vẫn phân tán, nhỏ lẻ, khó khăn cho thu hút đầu tư, quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế về quy trình, thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu nên sản phẩm phục vụ xuất khẩu chưa đa dạng. Trong khi đó, hệ thống thông tin thị trường chưa đầy đủ, chưa có nghiên cứu toàn diện về cung cầu sản phẩm; thiếu tính ổn định về sản lượng và giá. Cạnh tranh thương mại giữa các nước cùng sản xuất mặt hàng và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm cực kỳ nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… cùng với chi phí xuất khẩu theo đường chính ngạch khá cao cũng là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tôi lấy ví dụ như câu chuyện xuất khẩu chuối của Hà Nội hiện nay, dù được đánh giá là triển vọng lớn, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm sẽ xuất khẩu từ 25.000 tấn đến 30.000 tấn đi các nước, trong đó 60% là xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, các vùng sản xuất chuối xuất khẩu tập trung ở các địa phương như: Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Vì, Mê Linh… (với quy mô hơn 3.200ha) phát triển thiếu quy hoạch, quy trình canh tác không đồng bộ dẫn tới số lượng, chất lượng, mẫu mã, quy cách sản phẩm không đồng đều. Hay như nhãn chín muộn, một loại đặc sản của Hà Nội, hiện nay đã có hai vùng được cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu (thuộc huyện Hoài Đức và Quốc Oai) nhưng chất lượng vẫn chưa đồng đều qua các vụ, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan…

- Trong giai đoạn tới, thành phố cũng như ngành Nông nghiệp triển khai những giải pháp gì để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thủ đô?

- Để xây dựng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho xuất khẩu, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển thương hiệu; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất nông sản hướng tới xuất khẩu.

Các kế hoạch phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực phục vụ xuất khẩu như lúa gạo Japonica, bưởi, chuối giai đoạn 2020-2025 đã được xây dựng, từ đó hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP. Những công việc trước đây không được quan tâm đúng mức như cấp mã vùng trồng, xây dựng mô hình chế biến sâu thì trong thời gian tới sẽ được chú trọng và thành phố, ngành Nông nghiệp cũng đang tích cực vào cuộc, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ kinh phí phù hợp.

Mặt khác, Hà Nội sẽ tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý trong lĩnh vực thị trường quốc tế để từ đó lựa chọn các bộ giống cung ứng cho sản xuất, đáp ứng yêu cầu của những thị trường tiềm năng mà nông sản Hà Nội hướng tới xuất khẩu. Với người dân và các hợp tác xã, ngành Nông nghiệp sẽ tạo cơ chế hỗ trợ, lồng ghép qua nhiều chương trình, từ đó đẩy mạnh tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, quy cách, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Với sự hợp tác hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ, đưa nông sản xuất khẩu của Hà Nội có những bứt phá mới trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/983060/tao-but-pha-moi-cho-nong-san-thu-do