Tạo 'bứt phá' trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân, tỉnh đã triển đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến việc ban hành Nghị quyết số 03 “Quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”. Qua hơn 1 năm triển khai, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy mở rộng diện bao phủ BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về “Cải cách chính sách BHXH” đặt mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 35%, đến năm 2025 đạt khoảng 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH...
Để đạt mục tiêu đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 62 (năm 2018) về thực hiện Nghị quyết số 28; UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện chỉ tiêu phát triển BHXH trên địa bàn theo từng giai đoạn.
Các chỉ tiêu BHXH đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa vào hệ thống các chỉ tiêu phấn đấu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh 2020-2025. Hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các huyện, thành phố; các huyện, thành phố tiếp tục giao chỉ tiêu đến từng xã, phường, thị trấn.
Để khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHXH tự nguyện, ngày 17/7/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 “Quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”.
Theo đó, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc, đủ từ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện (theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng và theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định).
Mức hỗ trợ cụ thể là 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Ngay sau khi Nghị quyết 03 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn thực hiện, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ- TB&XH và các đơn vị liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời, đầy đủ đối với người tham gia BHXH tự nguyện; đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa an sinh của việc tham gia BHXH, chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai hướng về cơ sở, với nhiều hình thức như phối hợp với các cơ quan thông tấn viết tin, bài, phóng sự tuyên truyền; thông qua đối thoại tư vấn trực tiếp; ra quân tuyên truyền; cấp phát tờ rơi, tờ gấp, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội…
Hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng đã phát huy vai trò là cánh tay nối dài của ngành BHXH đưa các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện đến với nhân dân, giúp người dân được tiếp cận với chính sách một cách đầy đủ, chính xác nhất.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, BHXH tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thông qua những hội nghị trực tuyến.
Sau chương trình, tại các điểm cầu đã có nhiều người dân quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn có lương hưu khi về già hay được nhận tấm thẻ BHYT miễn phí, giảm gánh nặng kinh tế mỗi khi không may bị bệnh.
Quyết định tham gia BHXH tự nguyện sau khi nhận được sự tư vấn từ đại lý thu BHXH, chị Phạm Thị Năm, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương chia sẻ: “Tôi kinh doanh hoa quả, thu nhập đủ đảm bảo chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và có chút tích lũy.
Tôi tham gia BHXH tự nguyện với suy nghĩ “tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già”, sau này về già, sức khỏe yếu, không còn buôn bán được nữa, tôi vẫn có lương hưu hằng tháng để chi tiêu, có thẻ BHYT để đi khám bệnh mỗi khi ốm đau.
Tôi cảm thấy rất may mắn vì ngoài cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn tỉnh còn được ngân sách hỗ trợ thêm một phần chi phí khi tham gia BHXH tự nguyện...”.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, từ ngày 1/1-28/12/2021, đã có 19.427 người dân trên địa bàn tỉnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tham gia BHXH tự nguyện với kinh phí hơn 5,9 tỷ đồng.
Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh đã thực sự tạo "bứt phá”, giúp tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 20.688 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 7.676 người (37,1%) so với năm 2020 và gấp 3,2 lần so với năm 2019. Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã góp phần quan trọng mở rộng diện bao phủ BHXH của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 247 nghìn người tham gia BHXH, tăng gần 18.700 người so với năm 2020 (chiếm 37,9% lực lượng lao động). Tỷ lệ người tham gia BHXH đã vượt chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 (vượt 2,9%).
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, phát triển hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính… phục vụ ngày càng tốt hơn người tham gia BHXH tự nguyện.