Tạo bứt phá về nông nghiệp trong năm 2022
Mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao… là những giải pháp đang được ngành Nông nghiệp triển khai nhằm tạo sự bứt phá trong năm mới.
Những ngày đầu Xuân mới Nhâm Dần 2022, sản xuất nông nghiệp đón những tín hiệu đáng mừng. Thời tiết như “chiều lòng người” mưa xuân và se lạnh rất thuận lợi cho nông dân gieo cấy, chăm sóc cây vụ Đông Xuân, rau màu, trồng rừng sản xuất; giá các loại gia súc, gia cầm (GSGC), thủy sản tương đối ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân vào đàn, đầu tư đẩy mạnh chăn nuôi.
Bà Phùng Thị Nga, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường cho biết: Ngay mùng 5 Tết, gia đình đã ra đồng làm đất gieo cấy vụ Đông Xuân, chăm sóc cây rau màu, trong đó hơn 3 sào lúa, chủ yếu cấy những giống lúa chất lượng, sử dụng phân bón hữu cơ; đối với diện tích rau màu, gia đình chủ động áp dụng các biện pháp trồng, chăm sóc theo VietGAP giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và đảm bảo VSATTP đáp ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ.
Bám sát nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã hướng dẫn nông dân các biện pháp chống rét cho mạ, diện tích lúa đã cấy và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; quản lý vật tư đầu vào.
Triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây rau tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, quy mô 3ha; trên cây Ba Kích tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, quy mô 3ha; hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo VietGAP.
Trong 2 năm (2020-2021), chi cục đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ phân bón gieo trồng gần 2.800 ha rau củ quả theo hướng hữu cơ và hữu cơ; lấy 315 mẫu rau quả để giám sát an toàn thực phẩm (ATTP); Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc triển khai gieo cấy 257 ha lúa DT39 Quế Lâm theo hướng hữu cơ; Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 2 mô hình: chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Văn Quán (Lập Thạch) và chăn nuôi gà Ri lai hữu cơ tại xã Đồng Quế (Sông Lô).
Qua đó, đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo tư duy sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường của người dân.
Theo kỹ sư Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đạt mục tiêu năm 2022 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 84,5 nghìn ha, trong đó diện tích lúa cả năm 52,4 nghìn ha, năng suất lúa bình quân 59,9 tạ/ha; diện tích cây rau, đậu các loại trên 10 nghìn ha; tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 1,3%.
Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng giống tốt, giống chất lượng phù hợp với vùng sinh thái, kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để khắc phục thời tiết bất thuận, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất gạo hữu cơ, các vùng sản xuất rau tập trung, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo ATTP gắn với tiêu thụ, chế biến. Vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 80%.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, cùng với thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn Sojitz và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam là Vinamilk và Vilico về Dự án bò thịt tại Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư trên 500 triệu USD, ngành Nông nghiệp đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, tăng đàn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; duy trì ổn định quy mô nuôi từ 95-100 nghìn bò thịt, bò sữa và hơn 10 triệu con gia cầm; phòng chống đói, rét bảo vệ an toàn đàn vật nuôi; triển khai phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi.
Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hiện nuôi tốt; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lê Xuân Công cho biết: Cùng với tăng cường kiểm tra, chủ động thu thập mẫu bệnh phẩm, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC, thủy sản nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Chi cục triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC; mở rộng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cơ sở sản xuất giống và hệ thống giết mổ GSGC gắn với sản phẩm chế biến chăn nuôi; chăn nuôi nông hộ theo phương thức hữu cơ, sinh thái.
Để tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 3%, ngành Nông nghiệp đã đưa ra 11 giải pháp thực hiện trong năm mới, trong đó thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, siết chặt công tác quản lý rừng, đất rừng, đất thủy lợi.