Tạo cảm hứng đầu tư vào nông nghiệp

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, còn góp phần đa dạng thị trường, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút đầu tư.

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, ngày 17-7-2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Thực hiện nghị quyết này cũng như Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với mục tiêu sớm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, thực hiện kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh về phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cuối năm 2019, từ đầu năm 2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay Thanh Hóa đã có 1.127 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đầu tư trực tiếp có 709 doanh nghiệp, chiếm hơn 5% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Các doanh nghiệp này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo động lực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó đã kêu gọi, thu hút được 161 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư khoảng 17.971 tỷ đồng. Một số dự án đầu tư tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã và đang được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên phải khẳng định, so với tiềm năng và kỳ vọng, thì sự tham gia này vẫn chưa tương xứng, đòi hỏi chúng ta phải tạo ra những cảm hứng lớn hơn mở đường cho các doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục khơi thông cơ chế, xây dựng thêm chính sách, đòi hỏi phải tích cực đẩy mạnh hơn nữa việc tích tụ, tập trung đất đai như tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tuệ Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tao-cam-hung-dau-tu-vao-nong-nghiep/120866.htm