Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng giáo dục đào tạo của Thủ đô
Kinhtedothi – Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của TP Hà Nội, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô và nhu cầu học tập của Nhân dân.
Sáng 8/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị về phía Trung ương có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Về phía Hà Nội có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của TP.
Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên cho biết, việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của Thủ đô; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô và nhu cầu học tập của Nhân dân.
TP đã hoàn thành phê duyệt, ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP Hà Nội được triển khai thực hiện quả.
Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học; là 1 trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Năm học 2022 - 2023, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế). Thống kê từ năm học 2014-2015 đến tháng 3/2023, học sinh Hà Nội đạt được tổng số 1.249 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia; 124 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.
Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nền nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo được mở rộng. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Theo số liệu trên Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tại Hà Nội tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp. Về quy mô các trường THPT công lập, đến năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023 - 2024). Đến năm học 2025-2026 có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023 - 2024). Đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023 - 2024).
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua, vẫn còn những tồn tại như: Khoảng cách phát triển, chất lượng giáo dục giữa các trường quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn; công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp; công tác công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia cũng còn hạn chế; công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao…
Đề xuất các cơ chế đặc thù cho giáo dục Thủ đô
TP Hà Nội đã đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương. Trong đó, TP kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả. Đối với Bộ GD&ĐT, TP kiến nghị nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mỗi cơ sở giáo dục được bố trí không quá 2 cấp phó. Theo đó, nên quy định số lượng cấp phó theo quy mô số lớp và đặc thù riêng của mỗi cơ sở giáo dục…
Thời gian tới, 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã được TP Hà Nội đề ra. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, đây là nghị quyết vô cùng quan trọng, với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện đối với các vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần đổi mới trong phổ cập giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo dục và tự chủ đại học...
“Những kết quả này là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên so với yêu cầu của nguồn lực chất lượng cao, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Việc đổi mới đang đi vào chiều sâu, đồng nghĩa với nhiều thách thức được đặt ra” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Với Thủ đô Hà Nội, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp, ngành nên thành phố Hà Nội có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia rất cao. Hà Nội đã tăng cường đầu tư, phục vụ đại học trong nhà trường; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đi đầu cả nước; cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng... Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị TP Hà Nội quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.
Vẫn còn tư tưởng trọng bằng cấp
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các đơn vị đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Trong đó, một số quận/huyện đã có cách làm phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục đào tạo như Thanh Xuân, Ba Vì, Đan Phượng… nhờ đó chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao.
Nêu bật những khó khăn trong công tác giáo dục – đào tạo của Thủ đô thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 năm qua, TP đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này và tiếp tục đầu tư tương tự như vậy trong 10 năm tới. TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục – đào tạo, chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường, với việc thí điểm chính sách đặt hàng trong giáo dục đào tạo, giúp giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý đội ngũ của mình trong các nhà trường. Ngoài ra TP cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, kể cả đào tạo nghề. Nhờ đó, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế, thậm chí cả những yếu kém kéo dài thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, công tác phân luồng học sinh học nghề còn chưa tốt, vẫn còn tư tưởng trọng bằng cấp. Việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề và giáo dục đại học còn khiêm tốn. Đặc biệt, bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô vẫn còn nặng nề khi các địa phương chỉ đề cập đến các học sinh đạt giải nhưng lại không chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, để qua đó các huyện “xích gần hơn” với các quận về công tác này. Trong đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này. Từ đó, các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Đối với ngành GD&ĐT TP, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu tham mưu thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP Hà Nội. Đối với các đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường; quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường; chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô. Chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dưng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Trong đó các tập thể gồm: Sở GD&ĐT Hà Nội; Đảng bộ quận Cầu Giấy; Quận ủy Hoàn Kiếm, UBND quận Đống Đa; Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận/huyện Ba Đình, Hà Đông, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Trì và trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên).