Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của xe đưa rước học sinh

Thời gian qua, từ những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe đưa rước học sinh (ĐRHS) xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, hoạt động xe ĐRHS được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Trong đó, công tác tổ chức, quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến xe ĐRHS được phối hợp thực hiện chặt chẽ. Thậm chí, pháp luật cũng có nhiều quy định mới, khắt khe hơn đối với hoạt động của xe ĐRHS, được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những bất cập, tồn tại của hoạt động xe ĐRHS.

Cụ thể, cả Luật Đường bộ năm 2024 và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025) đều dành một chương quy định về hoạt động vận tải ĐRHS.

Theo đó, Điều 70 Luật Đường bộ quy định, hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng ô tô…

Ngoài ra, Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non.

Các quy định mới nói trên là hành lang pháp lý quan trọng để các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải có tham gia ĐRHS bắt buộc phải thực hiện; tăng cường trách nhiệm trong hoạt động ĐRHS. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến xe ĐRHS.

Để hoạt động của xe ĐRHS đi vào nền nếp, ngoài công tác kiểm tra, xử lý của ngành chức năng, vai trò của các nhà trường cũng rất quan trọng, nhất là cách tổ chức, giám sát hoạt động xe ĐRHS của các trường học, giáo viên; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong hoạt động xe ĐRHS; thường xuyên tổ chức rèn luyện kỹ năng phòng tránh các tai nạn rủi ro khi đi xe ĐRHS. Có như vậy mới tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với hoạt động của xe ĐRHS; đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường và về nhà bằng xe ĐRHS; góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Thư Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/tao-chuyen-bien-manh-me-trong-hoat-dong-cua-xe-dua-ruoc-hoc-sinh-aa177d3/