Tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chương trình hành động số 70-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư 'về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới'. Yêu cầu đặt ra là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT); nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ trực tiếp làm công tác đảm bảo trật tự, ATGT, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chấp hành pháp luật về giao thông; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển KT - XH của tỉnh.

Nhìn lại sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 54- CTHĐ/TU, ngày 14/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT và đạt được những kết quả tích cực.

Tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh ổn định, tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân không ngừng được nâng lên.

Vấn đề quan tâm hiện nay là tình hình trật tự, ATGT vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp; tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Công tác đảm bảo trật tự, ATGT có lúc, có nơi còn sơ hở; công cụ hỗ trợ thiếu; những bất cập về hạ tầng giao thông chậm được khắc phục đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để tạo chuyển biến tích cực về trật tự, ATGT trong thời kỳ mới, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiến tới thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và số người bị thương, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông; xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các lực lượng chức năng.

Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự, ATGT. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, ATGT. Từ thực tiễn thi hành pháp luật về giao thông, các cấp, ngành tiếp tục đề xuất hoàn thiện đồng bộ pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo trật tự, ATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ khi có hiệu lực thi hành. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội giáo dục cho thanh, thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hóa trong tham gia giao thông. Tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Mặt khác, tranh thủ các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông đảm bảo khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt. Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, tập trung ưu tiên nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, đường đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, đường tỉnh, đường vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, các nút giao thông, cầu vượt. Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Một vấn đề cấp thiết hiện nay đó là đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Trong đó có việc xây dựng và sử dụng có hiệu quả các trung tâm giám sát, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, đảm bảo phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật. Trong tổ chức giao thông, cần thể hiện sự hợp lý, khoa học, phù hợp với kết cấu hạ tầng; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang ATGT; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông…

Như vậy, nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT là trách nhiệm của toàn xã hội. Hướng tới thực hiện mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và số người bị thương, các cấp, ngành và mỗi một công dân cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong vấn đề thực hiện trật tự, ATGT và thể hiện bằng việc làm cụ thể trong việc chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, đảm bảo trật tự, ATGT ở mọi nơi, mọi lúc sẽ đem lại sự an toàn cho mỗi người, mỗi nhà và cho toàn xã hội, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển bền vững.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/tao-chuyen-bien-tich-cuc-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-trong-tinh-hinh-moi/179038.htm