Tạo chuyển biến từ mô hình Chính quyền số thân thiện phục vụ

Đó là mô hình dân vận khéo được triển khai, thực hiện có hiệu quả tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Lạc Sơn. Mô hình lấy người dân là chủ thể phục vụ, công nghệ số là công cụ thực hiện, thông qua thiết bị công nghệ thông tin nhằm xóa bỏ khoảng cách, tạo nên sự thân thiện trong tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Công dân thực hiện các thao tác trên cây tra cứu thông tin tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Lạc Sơn.

Công dân thực hiện các thao tác trên cây tra cứu thông tin tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Lạc Sơn.

Được bố trí góc riêng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, mô hình trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, thiết bị để công dân có thể thực hiện các thao tác với sự hướng dẫn của cán bộ, công chức (CB, CC). Bà Bùi Thị Thủy, xóm Xưa Hạ, xã Xuất Hóa bộc bạch: Lần đầu tiếp cận còn nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ được công chức Bộ phận "một cửa” chỉ dẫn tận tình nên tôi đã có thể sử dụng máy tính tra cứu thông tin. Nhờ vậy, tôi nắm bắt được các bước nộp hồ sơ trực tuyến, cài đặt và sử dụng các ứng dụng số.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Tiệp, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện, trước khi triển khai mô hình, 24/24 xã, thị trấn trong huyện có Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả được đầu tư các thiết bị thông minh, hiện đại như máy tính, máy tra cứu, phần mềm… nhưng người dân khai thác, sử dụng không nhiều. Nguyên nhân do không được quan tâm hướng dẫn, thiếu kiến thức và tâm lý muốn đến trực tiếp để nộp hồ sơ, hỏi thêm những việc ngoài thủ tục. Năm 2021, tỷ lệ người dân biết và tham gia thực hiện các TTHC trực tuyến chiếm khoảng 23%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC còn chậm, quá hạn so với quy định chiếm 20%; mức độ hài lòng của người dân trong thực hiện TTHC ở chính quyền các cấp chưa cao.

Triển khai từ năm 2022 đến nay, mô hình Chính quyền số thân thiện phục vụ đã tạo chuyển biến tích cực ở các cấp chính quyền cơ sở. Thực hiện tiêu chí công dân 5 biết (biết nộp hồ sơ trực tuyến; biết thanh toán trực tuyến; biết phản ánh, kiến nghị trực tuyến; biết nhận kết quả trực tuyến; biết cài đặt các ứng dụng điện tử), UBND huyện chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo CB, CC trong cơ quan vận động người dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến; đầu tư lắp đặt tại Bộ phận "một cửa” các trang thiết bị hiện đại nhất, gồm: hệ thống tra cứu thông tin, hệ thống quét mã vạch QR code, hệ thống lấy số tự động, màn hình hiển thị thông tin đa chiều… Bố trí mỗi cơ quan, đơn vị cử 1 công chức phụ trách công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kịp thời nắm bắt tình hình, đáp ứng tại chỗ các yêu cầu của người dân trong thực hiện các ứng dụng trực tuyến. Mặt khác, triển khai mở rộng hình thức thanh toán trực tuyến, giao chỉ tiêu đến toàn thể CB, CC; bố trí quầy trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, thực hiện thanh toán trực tuyến.

Thực hiện 3 hướng dẫn (nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, cài đặt và sử dụng các ứng dụng số), đội ngũ CB, CC đã đổi mới phương pháp hướng dẫn, vận động người dân tham gia sử dụng các ứng dụng số tại Bộ phận "một cửa”. Đơn cử như thành lập Tổ công nghệ số tuyên truyền dịch vụ công mức độ 4 tại các xã, thị trấn; tăng cường tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng dân cư tham gia nộp hồ sơ trực tuyến điện tử, xây dựng video hướng dẫn, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); đầu tư lắp đặt các thiết bị công nghệ thông tin được liên thông hệ thống camera giám sát hoạt động tại 24/24 Bộ phận "một cửa" xã, thị trấn; xây dựng, đưa vào hoạt động ứng dụng (App) "Công dân điện tử”; thường xuyên mở các lớp tập huấn công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, tập trung đào tạo đội xung kích các xã, thị trấn.

Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình Chính quyền số thân thiện phục vụ "5 phải biết, 3 hướng dẫn” đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng trực tuyến hiện đại, thực hiện TTHC dễ dàng. Đồng thời, huy động sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng nền hành chính hiện đại. Năm 2022, DVCTT được triển khai trên địa bàn huyện ngày càng sâu rộng, hiệu quả, cụ thể đã cung cấp 253 DVCTT mức độ 3, 4, trên 2.800 tài khoản đăng ký, thực hiện hơn 10.000 hồ sơ trực tuyến, tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính liên quan đến lĩnh vực thủ tục có thu phí, lệ phí đạt kết quả tốt, có 1.200 giao dịch thanh toán trực tuyến nghĩa vụ. Từ đầu năm đến nay đã có thêm hơn 1.000 lượt tải truy cập và đăng ký tài khoản ứng dụng "Công dân Hòa Bình” để thực hiện giao dịch trực tuyến tại các Bộ phận "một cửa" trong huyện.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/250/176082/tao-chuyen-bien-tu-mo-hinh-chinh-quyen-so-than-thien-phuc-vu.htm