Tạo chuyển biến về chất trong hoạt động công đoàn

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), Liên đoàn Lao động Thành phố phát động 'Đợt thi đua cao điểm 90 ngày trong CNVCLĐ Thủ đô chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam' (gọi tắt là Đợt thi đua cao điểm).

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Lao động Thủ đô về những kết quả đạt được của Đợt thi đua này và hướng phát triển của các phong trào thi đua trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, Đợt thi đua cao điểm là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt của tổ chức Công đoàn, công nhân viên chức lao động Thủ đô chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu và nội dung cụ thể khi Liên đoàn Lao động Thành phố phát động Đợt thi đua cao điểm này?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Từ tháng 4/2019, Liên đoàn Lao động Thành phố đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức phát động “Đợt thi đua cao điểm 90 ngày trong công nhân viên chức lao động Thủ đô chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”.

Mục đích của Đợt thi đua này là nhằm giáo dục lịch sử truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, ra sức thi đua với tinh thần quyết tâm cao, tạo bước đột phá về nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019.

Nội dung của Đợt thi đua cao điểm được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù của từng khu vực. Trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh tập trung thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” với mục tiêu “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi”, gương “sáng kiến, sáng tạo”, động viên công nhân viên chức lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất máy móc, thiết bị, giảm chi phí sản xuất, đồng thời tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong khi đó, thi đua ở khu vực hành chính, sự nghiệp là tập trung thực hiện có hiệu quả “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; đẩy mạnh phong trào: “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người cán bộ công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Ngoài ra, Đợt thi đua cao điểm còn được các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai thực hiện thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động Công đoàn”, động viên cán bộ, đoàn viên công đoàn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Yêu cầu mà Liên đoàn Lao động Thành phố đặt ra là các nội dung thi đua phải đảm bảo hiệu quả thiết thực, đượt phát động rộng khắp đến 100% các công đoàn cơ sở và công nhân viên chức lao động. Kết quả của các đợt thi đua phải được thể hiện bằng các công trình, phần việc, sản phẩm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực đối với các ngành, địa phương, đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Trung đối thoại với công nhân lao động Thủ đô

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Trung đối thoại với công nhân lao động Thủ đô

Phóng viên: Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt như vậy, sau khi Liên đoàn Lao động Thành phố chính thức phát động, Đợt thi đua cao điểm đã được triển khai tại các cấp Công đoàn Thủ đô như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của Đợt thi đua cao điểm, trên cơ sở chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, 100% Công đoàn cấp trên cơ sở, đơn vị trực thuộc và trên 90% Công đoàn cơ sở đã xây dựng kế hoạch triển khai Đợt thi đua này trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

Các cấp công đoàn đã bám sát kế hoạch của Liên đoàn Lao động Thành phố, lựa chọn các nội dung cụ thể đưa vào chương trình công tác hàng tháng, quý để triển khai thực hiện. Có thể khẳng định, các nội dung, tiêu chí của Đợt thi đua cao điểm đã được các cấp công đoàn Thủ đô triển khai nghiêm túc, bám sát thực tiễn hoạt động của từng địa phương, từng ngành, có sức lan tỏa rộng rãi, được toàn thể đội ngũ công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn Thủ đô đồng tình, ủng hộ, tham gia.

Thông qua Đợt thi đua đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống của tổ chức Công đoàn, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn.

Kết quả cụ thể của Đợt thi đua được thể hiện qua những hoạt động tiêu biểu, trong đó, nổi bật là đoàn viên, người lao động trong toàn Thành phố đã có hơn 30 nghìn đề tài khoa học các cấp, sáng kiến, giải pháp, sản phẩm với giá trị làm lợi trên 900 tỷ đồng, có 5 công trình đã hoàn thành và được Liên đoàn Lao động Thành phố gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Ngoài ra, với ý nghĩa mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ Thành phố đã ra Quyết định hỗ trợ xây mới và sửa chữa 95 Mái ấm Công đoàn. Trong đó, có 90 Mái ấm Công đoàn hỗ trợ cho công nhân viên chức lao động Thủ đô, 5 Mái ấm Công đoàn hỗ trợ công nhân lao động các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt...

Song song với việc triển khai nội dung, tiêu chí thi đua, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng quan tâm chú trọng công tác tổng kết, đánh giá, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến với phương châm hướng về cơ sở. Đã có hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở khen thưởng, động viên…

Phóng viên: Vậy thời gian tới, công tác thi đua khen thưởng của tổ chức Công đoàn Thủ đô cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động Thủ đô, xác định thi đua là để xây dựng các nhân tố mới. Để thi đua đạt hiệu quả cao nhất, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ lựa chọn phong trào thi đua, nội dung thi đua phù hợp không dàn trải; quan tâm phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, đặc biệt quan tâm đến triển khai các phong trào thi đua đặc trưng của tổ chức công đoàn như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” gắn với tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát động phong trào thi đua trong khối cán bộ công chức viên chức, hướng tới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, phong cách làm việc, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu quả công việc, văn hóa công sở…

Mục tiêu, nội dung phải thiết thực, tiêu chuẩn thi đua phải rõ ràng, sát với nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh ở đơn vị, ngành, địa phương. Khi đã phát động phong trào thi đua, các cấp công đoàn phải theo dõi, bám sát, kiểm tra, đôn đốc, sơ, tổng kết khen thưởng kịp thời và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Ngoài ra, các cấp công đoàn Thủ đô cũng cần tập trung quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng của tổ chức công đoàn theo hướng mạnh về lực lượng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức tổ chức cao, quan tâm tổ chức các chuyên đề học tập mô hình, trao đổi kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua giữa các đơn vị, các cụm thi đua trên địa bàn thành phố.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực!

Phạm Diệp (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-chuyen-bien-ve-chat-trong-hoat-dong-cong-doan-96503.html