Tạo cơ chế chính sách, phát huy vai trò lực lượng dân quân

Hà Tĩnh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân theo hướng 'vững mạnh, rộng khắp' gắn với tạo cơ chế, chính sách hợp lý, giúp lực lượng này có cuộc sống tốt hơn và phát huy được vai trò ở cơ sở.

 Hợp tác xã cam Khe Mây Long Nhâm do chiến sĩ dân quân Đinh Văn Nhâm (ở giữa) làm chủ nhiệm là mô hình kinh tế tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Hương Đô.

Hợp tác xã cam Khe Mây Long Nhâm do chiến sĩ dân quân Đinh Văn Nhâm (ở giữa) làm chủ nhiệm là mô hình kinh tế tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Hương Đô.

Thành phố Hà Tĩnh là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút, “giữ chân” dân quân vì vấn đề việc làm và thu nhập. Để giải bài toán này, cơ quan quân sự địa phương đã có những cách làm hay, sát thực tế.

Thượng tá Nguyễn Bá Khánh - Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuê đất, cho lực lượng dân quân mượn mặt bằng, được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình ngay tại phường, xã. Cùng đó, động viên, khuyến khích lực lượng dân quân chăm lo làm ăn, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế để đảm bảo việc làm, tăng thu nhập tại chỗ. Anh em dân quân “an cư lạc nghiệp” là cơ sở để xây dựng lực lượng vững mạnh”.

 Nhờ được hỗ trợ về nhiều mặt nên mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Trương Thế Cương (thành phố Hà Tĩnh) được mở rộng diện tích và ngày càng sản xuất hiệu quả.

Nhờ được hỗ trợ về nhiều mặt nên mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Trương Thế Cương (thành phố Hà Tĩnh) được mở rộng diện tích và ngày càng sản xuất hiệu quả.

Sự quan tâm, hỗ trợ trên đã giúp xây dựng, nhân rộng hàng chục mô hình kinh tế do lực lượng dân quân làm chủ, trong đó có mô hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ của gia đình anh Trương Thế Cương - Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Thạch Hưng.

Anh Cương chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ làm ăn nhỏ với quy mô vài ao nuôi quảng canh, nhưng nhờ được địa phương quan tâm, cho thuê thêm diện tích và được tiếp cận nguồn vốn vay nên tôi đã mở rộng lên gần 5 ha, đầu tư mua sắm các thiết bị sản xuất để nuôi xen canh cải tiến. Hiện, gia đình tôi nuôi 2-3 vụ/năm, mỗi vụ xuống giống 30 vạn tôm thẻ và tôm sú, 3.000 con cá chim vây vàng, 3.000 con cua cho về nguồn thu khoảng 120 triệu đồng/vụ. Nuôi trồng thủy sản giúp tôi giải quyết bài toán kinh tế gia đình, qua đó yên tâm tham gia các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng ở cơ sở”.

 Mô hình tổng hợp của dân quân Dương Xuân Nam (ngoài cùng bên trái) ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên làm ăn hiệu quả nên nhiều dân quân trong vùng đến học tập, làm công nhân.

Mô hình tổng hợp của dân quân Dương Xuân Nam (ngoài cùng bên trái) ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên làm ăn hiệu quả nên nhiều dân quân trong vùng đến học tập, làm công nhân.

Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình kinh tế, đa dạng các lĩnh vực do các chiến sĩ “sao vuông” làm chủ. Mô hình vườn - ao - chuồng quy mô 10 ha của anh Đoàn Văn Trung - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) là một trong những mô hình tiêu biểu.

Anh Trung cho biết: “Nhờ địa phương ưu tiên giao đất giao rừng, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tham quan học tập kinh nghiệm, ứng dụng KHKT…, gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển kinh tế nông hộ. Hiện, tôi đang có 5 ha tràm sắp thu hoạch, vườn cây ăn quả 700 gốc (cam, bưởi, quýt bản địa), đàn lợn 40 con, đàn trâu bò 30 con và hàng trăm con gia cầm… Bình quân mỗi năm, mô hình cho lãi 200 triệu đồng giúp tôi yên tâm làm nhiệm vụ”.

 Xưởng mộc gia dụng của thôn đội trưởng Phạm Tuấn Anh (xã Thạch Châu, Thạch Hà) vừa giúp ông chủ cải thiện thu nhập vừa tạo việc làm cho đồng đội.

Xưởng mộc gia dụng của thôn đội trưởng Phạm Tuấn Anh (xã Thạch Châu, Thạch Hà) vừa giúp ông chủ cải thiện thu nhập vừa tạo việc làm cho đồng đội.

Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng lực lượng dân quân theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” với cơ cấu số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Nhờ vậy, hiện nay, toàn tỉnh có tỷ lệ dân quân đạt 2,2% tổng dân số, gần 100% chỉ huy trưởng quân sự cấp xã là đảng ủy viên, khoảng 30% dân quân thường trực là đảng viên, không còn người thuộc hộ nghèo và cận nghèo trong lực lượng.

Bộ CHQS tỉnh cũng đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ này; trong đó, nổi bật là tham mưu tạo “hành lang” về cơ chế, chính sách (về nguồn vốn, đất đai, ao hồ, KHKT…) để tạo việc làm, tăng thu nhập, lan tỏa các mô hình sản xuất hiệu quả trong lực lượng “sao vuông”.

Trong điều kiện thực hiện tinh gọn bộ máy, giải thể cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, cơ cấu số lượng dân quân, Bộ CHQS tỉnh đang tập trung tham mưu, chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ số lượng, chất lượng lực lượng dân quân hiện có và chuẩn bị tốt phương án kiện toàn tổ chức, biên chế khi hoàn thành sáp nhập.

 Anh Trần Quốc Phương - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi đàn lợn siêu nạc.

Anh Trần Quốc Phương - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi đàn lợn siêu nạc.

Đại tá Hoàng Anh Tú - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm xây dựng lực lượng dân quân đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng và thực sự làm nòng cốt cho cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, ngăn ngừa dịch bệnh… Tới đây, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Bộ CHQS tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh - rộng khắp” gắn với có cơ chế, chính sách thỏa đáng để lực lượng này tiếp tục phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới”.

Tiến Phúc - Lê Liệu

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tao-co-che-chinh-sach-phat-huy-vai-tro-luc-luong-dan-quan-post285926.html