Tạo cơ chế cho hai Đại học Quốc gia phát triển
Các chính sách về chuyên môn, tài chính, nguồn lực, tính đặc thù chưa đặc sắc. Vì vậy cần tạo cơ chế, chính sách cho 2 Đại học Quốc gia để xây dựng đại học đẳng cấp
Ngày 6-9, tại TP HCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP HCM và ĐHQG Hà Nội. Chủ trì buổi làm việc, Phó Thủ tướng trực tiếp lắng nghe nhằm giải đáp các kiến nghị từ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và nhà khoa học của 2 ĐHQG. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành và địa phương.
Kiến nghị tạo cơ chế
Tại buổi làm việc, 2 ĐHQG đã nêu bật những kết quả đạt được trong khoảng 30 năm qua, đồng thời kiến nghị một số vấn đề nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, đánh giá ý tưởng thành lập các ĐHQG không phải là phát kiến của một cá nhân mà đến từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhìn lại chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển có thể thấy sự nhất quán, xuyên suốt về chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển 2 ĐHQG.
Với ĐHQG TP HCM, sau 28 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường ĐH thành viên nòng cốt trong 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay ĐHQG TP HCM đã trở thành trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết lĩnh vực quan trọng như: Kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp…
Hiện nay, ĐHQG TP HCM có hơn 6.000 cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động… Trong đó, hơn 1.100 tiến sĩ, khoảng 350 GS, PGS trên quy mô gần 95.000 sinh viên ĐH chính quy và hơn 8.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh.
ĐHQG TP HCM kiến nghị với Chính phủ nhiều nội dung. Trong đó có kiến nghị xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung ĐHQG TP HCM kiến nghị trong dự thảo đề án "Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á"; sớm ban hành Nghị định về ĐHQG và Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. ĐHQG TP HCM cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí lại số vốn đã bị hủy dự toán (hơn 420 tỉ đồng) do chưa giải ngân hết trong các năm trước đây đối với dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng của ĐHQG TP HCM tại TP HCM và tỉnh Bình Dương để kịp thời bổ sung vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành dứt điểm.
Nhất trí với kiến nghị của ĐHQG TP HCM, GS-TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG Hà Nội, tạo cơ chế chính sách cho 2 ĐHQG để xây dựng ĐH đẳng cấp.
Theo GS-TS Lê Quân, hiện nay các chính sách về chuyên môn, tài chính, nguồn lực, tính đặc thù chưa đặc sắc. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực tầm cỡ, đặc biệt cơ chế về tổ chức phải có tính đặc thù riêng, cơ chế sử dụng con người, cơ chế tài chính. Hai ĐHQG là nơi để thí điểm nhiều chính sách giáo dục ĐH, nên mong có thí điểm về cơ chế đào tạo để bảo đảm sự khác biệt.
Cần đầu tư cho khoa học cơ bản
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phải xác định rõ vị thế, vai trò của ngành giáo dục đối với đất nước. Giải pháp để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững chính là phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, Phó Thủ tướng mong sẽ nhận được nhiều ý kiến, góp ý cho Chính phủ, góp ý cho những vấn đề về mặt chủ trương lớn, về mặt tư duy… để giải quyết những vấn đề ĐHQG đang đặt ra.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), cho biết hiện đang xảy ra sự bất cập trong cơ cấu ngành học, đặc biệt liên quan đến các ngành khoa học - công nghệ khi người học đang chạy theo những ngành xu thế, ngành hot, trong khi đó những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, xã hội thì không nhận được nhiều sự quan tâm của người học. "Tôi mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những ngành học rất quan trọng nhưng ít được xã hội quan tâm" - ông Phong nói.
Phát triển khoa học - công nghệ cũng được ông Phong chỉ ra những bất cập khi hiện nay thường đầu tư trước và các chương trình đi sau nên không song hành với nhau. Đơn cử, có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia nhưng không có kinh phí duy trì.
Về tài chính cho ĐH, ông Phong cho rằng cần có cơ chế để phát huy những gì các trường đang có nhằm mang lại nguồn thu, ngoài kinh phí từ nhà nước và học phí của người học. Ví dụ như khai thác tài sản công, gồm bất động sản là nhà cửa, đất đai và tài sản trí tuệ, hiện nay đang có rất nhiều quy định ràng buộc. Nên chăng, trong lĩnh vực giáo dục, y tế cần có những cơ chế đặc thù hơn để các cơ sở có thể phát triển.
PGS-TS Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cho biết giáo dục ĐH còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tự chủ ĐH. Theo bà Lan, thực hiện tự chủ, học phí dồn lên các trường ĐH trong khi cơ chế chính sách chưa theo kịp với nhu cầu chính sách về tự chủ. Ví dụ, các ngành khoa học cơ bản theo Nghị định 81 đối với giáo dục ĐH quy định sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí. Những ngành như triết học, tư tưởng Hồ Chí Minh... được hưởng chính sách này nhưng các ngành khác như lịch sử, địa lý, dân tộc học, hải dương học, địa chất... thì không được.
"Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay" - bà Lan nhấn mạnh và kiến nghị trong Nghị định 81 sắp tới, nếu có sửa chữa thì cần bổ sung quy định giảm học phí cho một số ngành khoa học cơ bản và có cơ chế đặt hàng cho các ngành khoa học cơ bản.
GS-TS Lê Chí Hiệp, giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), lưu ý rằng phải nuôi dưỡng, tạo cơ chế đặc thù cho 2 ĐHQG để kéo nền giáo dục. Ông đánh giá rằng 2 ĐHQG phát triển chưa như mong muốn.
Đi đầu trong hội nhập
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định ĐHQG là mô hình hình thành từ chủ trương hết sức đúng đắn và đã gần 30 năm qua. Tới đây sẽ phải tổng kết để biết được những gì đã làm được, cái gì cần có tư duy mới hơn để xây dựng được các ĐHQG phát huy cao nhất dân chủ, trí tuệ và tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Nhiều vấn đề quan tâm như tiếp thu nhân tài, các mối quan hệ như mối quan hệ hệ sinh thái giữa nhà trường với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý với các trung tâm đào tạo để chúng ta có thể đi đầu trong hội nhập.