Tạo cơ hội chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em miền núi

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, dân trí thấp nên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa quan tâm nhiều đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ). Vì vậy, chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai hàng năm ở các địa phương, tạo cơ hội cho phụ nữ DTTS tiếp cận gần hơn với các dịch vụ CSSKSS.

Trẻ em DTTS ở miền núi được hỗ trợ dinh dưỡng nhằm phát triển thể chất, nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: KIM CHI

Trẻ em DTTS ở miền núi được hỗ trợ dinh dưỡng nhằm phát triển thể chất, nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: KIM CHI

Theo số liệu thống kê, dân số vùng miền núi của Phú Yên có hơn 250.000 người (khoảng 58.00 hộ), chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh. Trong đó, DTTS hơn 58.000 người (13.580 hộ), chiếm 24,9% dân số vùng miền núi và 6,6% so với dân số toàn tỉnh, với 31 dân tộc sinh sống, chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái…

Những hệ lụy khi xem nhẹ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Theo đánh giá của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, có rất nhiều nguyên nhân khiến chất lượng dân số vùng DTTS không được cải thiện, vấn đề CSSKSS ít được quan tâm, nhưng nổi cộm nhất là do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thói quen lạc hậu khi mang thai và sinh sản.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Đời sống vùng đồng bào DTTS hiện còn nhiều khó khăn, bà con còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu, việc CSSKSS ít được phụ nữ quan tâm. Đặc biệt, tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỉ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái.

Chị Văn Thị Gái, cộng tác viên dân số thôn Suối Biểu (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) nói: Do hàng ngày đi làm rẫy xa, không gần các trạm y tế xã nên khi sinh đẻ, phụ nữ DTTS thường nhờ vào các bà đỡ hoặc tự mình làm hết mọi việc. Thế nên mỗi lần đi vận động, tuyên truyền về dân số, chúng tôi phải tìm hiểu rõ phong tục tập quán của họ để vận động sao cho hiệu quả. Điều khó khăn thường hay gặp nhất trong công tác CSSKSS là chị em mang thai thường đi làm cho đến gần ngày sinh và có trường hợp sinh ngay tại rẫy.

Mí Len ở thôn Suối Biểu, chia sẻ về lần vượt cạn của mình: “Năm ngoái, khi gần đến ngày sinh nở, tôi vẫn phải ra đồng. Đúng lúc đó, bụng nặng, có dấu hiệu sắp sinh, may mắn là có chồng chở nhanh vô trạm y tế xã, chứ không là “đẻ rớt” rồi”.

Còn Mí Thu ở thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, thổ lộ: “Vợ chồng tôi có 3 đứa con vẫn còn nhỏ. Vì phải lo làm thuê, làm rẫy nên tôi không có thời gian chăm lo cho bản thân. Kinh tế gia đình còn khó khăn, nhà lại ở xa trung tâm xã nên cái gì cũng phải tự thân hết, đâu biết đến CSSKSS là gì, cứ để tự nhiên vậy thôi”.

Theo bác sĩ Phan Nguyễn Thùy Giang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân, do đời sống còn khó khăn nên công tác CSSKSS dù được chị em vùng miền núi quan tâm song chưa thường xuyên. Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên... tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tích cực thực hiện KHHGĐ, CSSKSS. Hiện Đồng Xuân vẫn duy trì các câu lạc bộ giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền chính sách hỗ trợ người dân về CSSKSS cũng như các chính sách dân số khác.

Áp dụng đồng thời nhiều giải pháp

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 49 cặp vợ chồng là người DTTS tảo hôn, chiếm 5,83% trong tổng số cặp kết hôn, giảm 7,41% so với 5 năm trước. Trong đó, tảo hôn của vợ hoặc chồng có 36 trường hợp, chiếm 4,29%; tảo hôn của cả vợ và chồng có 13 trường hợp, chiếm 1,54%. Trong thực tế, vẫn có những trường hợp có quan hệ hôn nhân cận huyết thống không theo dõi được. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

“Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ ở các địa bàn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã và đang đem lại những biến chuyển tích cực trong suy nghĩ, tập tục, thói quen… của đồng bào DTTS. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực khi tạo cơ hội cho phụ nữ vùng DTTS, miền núi, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận gần hơn với các dịch vụ CSSKSS, hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai, lồng ghép trong các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi, như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất… Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư phát triển y tế vùng DTTS và miền núi, đồng bào DTTS ngày càng có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ CSSK cơ bản; trẻ em dưới 5 tuổi uống miễn phí vitamin A; hỗ trợ hộ gia đình khám sức khỏe miễn phí 2 lần/trẻ/năm học; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ DTTS rất ít người tại các cơ sở giáo dục công lập. “Chỉ có áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp mới từng bước giúp đồng bào DTTS từ bỏ dần các tập quán lạc hậu, tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục để xây dựng lối sống văn hóa, vệ sinh, chăm sóc tốt sức khỏe bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Hương cho biết thêm.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/263797/tao-co-hoi-cham-soc-suc-khoe-phu-nu-tre-em-mien-nui.html