Tạo cơ hội cho người nghiện ma túy làm lại cuộc đời

Bằng cách tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang, đóng tại ấp Kiên Hảo, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) giúp người nghiện ma túy có cơ hội làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi cai nghiện thành công.

Học viên thực hành nghề trang điểm tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang.

Học viên thực hành nghề trang điểm tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang.

Theo đồng chí Đặng Tuấn Sinh - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang, cơ sở quản lý 521 đối tượng, trong đó có 483 nam, 38 nữ. Các đối tượng đều trong độ tuổi lao động.

Bên cạnh việc tổ chức điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, cai nghiện ma túy cho học viên, cơ sở chú trọng đào tạo nghề gắn lao động trị liệu. Hàng năm, cơ sở phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề tổ chức 4-6 lớp dạy nghề cho học viên.

Trước khi mở lớp dạy nghề, cơ sở tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về nhu cầu học nghề của học viên. Các khóa học do giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao giảng dạy. Nghề được đào tạo sát thực tế, giúp học viên trở về địa phương có cơ hội tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang mở 2 lớp học nghề cho hơn 50 học viên, với nghề điện dân dụng và nghề trang điểm. Tham gia lớp học nghề, học viên đều quyết tâm cai nghiện, chăm chỉ học tập để khi tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang được giáo viên hướng dẫn thực hành lắp đặt điện dân dụng.

Học viên Lê Thắng Bình, ngụ xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chia sẻ: “Do ham chơi và bạn lôi kéo, tôi nghiện ma túy. Vào cơ sở cai nghiện, được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, tôi nhận thức được tác hại của ma túy và có động lực để cai nghiện. Tôi đang học lớp nghề điện dân dụng do cơ sở tổ chức. Tôi quyết tâm cai nghiện và học tốt để sau này có nghề ổn định nuôi sống bản thân và gia đình”.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lâm Mỹ Mỹ (21 tuổi), ngụ huyện Giồng Riềng (Kiên GIang) đi làm nhân viên phục vụ quán karaoke ở TP. Hồ Chí Minh. Bị bạn bè, đồng nghiệp rủ rê, Mỹ sử dụng ma túy. Sau hơn 3 tháng điều trị cắt cơn, tư vấn và giáo dục, Mỹ được cơ sở tạo điều kiện học nghề trang điểm. Mỹ nói: “Ở trung tâm được ăn uống đầy đủ, tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, đặc biệt được học nghề trang điểm giúp tôi có động lực, quyết tâm làm lại cuộc đời”.

Thông qua công tác đào tạo nghề, tư vấn, giáo dục và phục hồi sức khỏe giúp nhiều học viên cai nghiện thành công. Năm 2022, tỷ lệ học viên của cơ sở xếp loại tốt chiếm 90,7%; loại khá 7,7%; loại yếu 1,6%. Cơ sở xét khen thưởng 271 lượt học viên xếp loại xuất sắc.

Từ năm 2022 đến nay, cơ sở điều trị cắt cơn cho hơn 600 đối tượng. Nhiều học viên sau khi cai nghiện thành công có cơ hội tìm việc hoặc tạo việc làm cho bản thân.

Theo đồng chí Đặng Tuấn Sinh, đào tạo nghề là giải pháp giúp học viên làm lại cuộc đời. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục phối hợp các đơn vị đào tạo nghề mở lớp dạy nghề cho học viên mới; liên kết doanh nghiệp dạy nghề cho học viên, tạo điều kiện cho học viên có thu nhập; tổ chức hoạt động vui chơi thể thao hàng ngày, văn nghệ hàng tuần và các ngày kỷ niệm, lễ, tết giúp học viên xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và phòng, chống tái nghiện hiệu quả.

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/tao-co-hoi-cho-nguoi-nghien-ma-tuy-lam-lai-cuoc-doi-13205.html