Tạo cơ hội cho trẻ em bộc lộ tâm tư, suy nghĩ
Trẻ em được học tập và vui chơi giải trí trong môi trường lành mạnh; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ngày càng được quan tâm hơn… giúp quyền tham gia của trẻ em được phát huy.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh có 943 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 0,57% tổng số trẻ em của tỉnh. Số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 11.964 em. Tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 98%.
Nhiều mô hình thiết thực
Trong năm 2024, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) vào các vấn đề về trẻ em tỉnh được triển khai với 10 CLB QTGCTE đã tạo cơ hội cho trẻ em chuyển tải những nội dung mà các em quan tâm như: phòng, chống xâm hại trẻ em; giải pháp giảm tai nạn thương tích trẻ em hiện nay; bạo lực học đường; sự quan tâm của cha mẹ đối với việc học hành, vui chơi, giải trí của trẻ em; chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn…
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Tùy chủ đề hằng tháng, các CLB tập trung tuyên truyền, sinh hoạt các nội dung liên quan như: Tìm hiểu kiến thức pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, các kỹ năng sống cần thiết; giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ kiến thức xã hội, kinh nghiệm học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho các em…
Em Nguyễn Hoàng Bảo Vy, thành viên CLB Phóng viên nhỏ chia sẻ: Tham gia vào CLB, chúng em có điều kiện giao lưu, biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích. Đồng thời rèn luyện kỹ năng nắm bắt thông tin, phỏng vấn, kỹ năng tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực trẻ em để qua đó, biết được nhu cầu của trẻ em, tuyên truyền để mọi người có cái nhìn đúng về trẻ em hơn.
Còn em Lê Đỗ Thanh Hằng, 14 tuổi, thành viên CLB QTGCTE Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) nói: Em tham gia CLB này được hơn 1 năm. CLB có gần 20 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt một kỳ để chia sẻ những vấn đề xã hội phù hợp với lứa tuổi như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, đuối nước… Qua sinh hoạt CLB, chúng em đã có những đề xuất kiến nghị với các cấp lãnh đạo để có giải pháp bảo vệ trẻ em được tốt hơn.
Lần đầu tiên tham gia buổi truyền thông về quyền trẻ em, em Lê Hải Phương (phường Xuân Yên, TX Sông Cầu) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em tham gia diễn đàn về quyền trẻ em và cảm thấy rất hào hứng. Em mong có được nhiều cơ hội bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội. Theo em thấy, tình trạng người lớn thường quát mắng trẻ em vô cớ mà không để ý đến cảm nhận, mong muốn của trẻ em, đó là sai lầm. Không chỉ người làm cha, làm mẹ mà các cấp lãnh đạo cũng cần phải lắng nghe để hiểu trẻ em hơn”.
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, 3 năm trước, do dịch COVID-19 nên các hoạt động, sân chơi về QTGCTE tạm ngưng. Trong năm 2023, Sở LĐTB&XH đã tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”, có 50 trẻ em tham gia, sau đó có 4 em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII. Ngoài mô hình CLB QTGCTE, một số mô hình khác có liên quan đến bảo vệ trẻ em cũng đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 như “Thăm dò ý kiến trẻ em”, “Hội đồng trẻ em”… Các mô hình này đi vào hoạt động nề nếp và ngày càng có chất lượng, hiệu quả.
Thông qua các mô hình, diễn đàn, những vấn đề về trẻ em tại nhà trường và trong cộng đồng đã được triển khai như: Trẻ em được đối thoại với lãnh đạo UBND và các ban ngành, đoàn thể về vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em, tạo môi trường học tập, môi trường sống lành mạnh cho trẻ em; trẻ em bị bạo lực gia đình; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em bị ngược đãi; trẻ em bị đuối nước, tai nạn giao thông…
Đặc biệt, để thực hiện các quyền trẻ em, tỉnh còn lập đường dây hỗ trợ trẻ em và kết nối với Tổng đài quốc gia 111 để hướng dẫn, hỗ trợ, can thiệp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; trẻ em gặp vấn đề về tâm lý ở các địa phương.
Tăng cường tuyên truyền
Mặc dù đạt được một số kết quả trong công tác trẻ em và QTGCTE, song theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, nhu cầu trợ giúp của trẻ em còn nhiều; một bộ phận dân cư ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện về chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí còn hạn chế; việc tiếp cận thông tin cũng như nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Để đảm bảo quyền trẻ em, Sở LĐTB&XH đã tổ chức các lớp truyền thông, vận động xã hội về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường học, cộng đồng với gần 8.000 người trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ của cộng đồng, gia đình, nhà trường về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Mới đây, Sở LĐTB&XH cũng đã phối hợp với Bệnh viện Tim Tâm Đức TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tổ chức khám sàng lọc bệnh tim cho hơn 400 trường hợp trẻ sơ sinh; cấp 25 chiếc xe lăn trị giá 120 triệu đồng cho trẻ em bị bại não. Đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn, tham vấn cho 40 trường hợp trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do xung đột gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục…
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thực hiện QTGCTE là một chương trình có ý nghĩa quan trọng với trẻ em. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, thời gian tới, đặc biệt là triển khai Tháng Hành động vì trẻ em năm 2024 (tháng 6), toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em, đưa nội dung Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành vào kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm tại các địa phương và một số ban ngành.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, giáo dục kiến thức, phương pháp, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ, đặc biệt kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện sớm trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
“Cùng với duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Sở LĐTB&XH cũng sẽ tiếp tục phối hợp các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các mô hình: Diễn đàn trẻ em, CLB QTGCTE; các chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng. Đồng thời thực hiện hiệu quả các mô hình khác trong Chương trình thúc đẩy QTGCTE giai đoạn 2021-2025; tạo lập môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em”, bà Hiền cho biết thêm.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316461/tao-co-hoi-cho-tre-em-boc-lo-tam-tu-suy-nghi.html