Tạo cơ hội cho trẻ em lên tiếng
Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) vào các vấn đề về trẻ em được triển khai trong năm 2021 đã tạo cơ hội cho trẻ em chuyển tải nhiều nội dung mà các em quan tâm.
Theo đó, những vấn đề như: phòng, chống xâm hại trẻ em; giải pháp giảm tai nạn thương tích trẻ em hiện nay; bạo lực học đường; sự quan tâm của cha mẹ đối với việc học hành, vui chơi, giải trí của trẻ em; chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19… được tạo điều kiện để các em lên tiếng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em
QTGCTE là một trong bốn nhóm quyền quan trọng của trẻ em được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Theo đó, QTGCTE vào các vấn đề trẻ em bao gồm: Quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với lứa tuổi, được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề về trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình; quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định; quyền được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm, hiệp hội và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, cho biết: Năm 2021, bên cạnh các hoạt động xã hội, trung tâm tổ chức các lớp truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em tại 60 điểm trường học trên địa bàn huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và TX Sông Cầu. Mỗi điểm có 50 học sinh tham dự. Các buổi truyền thông nhằm giúp các em có quyền lên tiếng các vấn đề liên quan đến bản thân và những vấn đề các em quan tâm, nhằm nâng cao nhận thức, hành động của trẻ. Trong năm, trung tâm đã tư vấn 44 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do xung đột gia đình…
Em Lê Đỗ Thanh Hằng, 14 tuổi, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Em tham gia CLB QTGCTE Trường THCS Nguyễn Thế Bảo được hơn 1 năm. Mỗi tháng CLB sinh hoạt một kỳ để chia sẻ những vấn đề xã hội phù hợp với lứa tuổi như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, đuối nước… Qua hoạt động, chúng em có những đề xuất, kiến nghị lên cấp trên để có giải pháp bảo vệ trẻ em được tốt hơn”.
Em Ngô Phương Lan, 15 tuổi, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), lần đầu tiên tham gia buổi truyền thông về quyền trẻ em, bộc bạch: “Em thấy hiện nay có tình trạng người lớn say xỉn rồi quát mắng trẻ em vô cớ mà không để ý đến cảm nhận của trẻ. Người lớn cần phải lắng nghe để hiểu trẻ em hơn. Em rất hào hứng, thích thú khi được bày tỏ suy nghĩ của mình ở diễn đàn này. Em mong các cô chú thường xuyên tổ chức nhiều buổi truyền thông để chúng em có cơ hội bộc lộ tâm tư, suy nghĩ về các vấn đề chúng em quan tâm”.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, nhìn nhận: Có thể thấy, mô hình CLB QTGCTE triển khai qua các năm thật sự là cầu nối, là nơi đối thoại giữa người lớn và trẻ em. Trong đó, trẻ em nói và người lớn lắng nghe một cách tôn trọng, thiện chí và đầy tâm huyết khi ghi nhận đầy đủ những ý kiến của các em, đưa ra hướng giải quyết và quyết tâm sẽ thay đổi những điều chưa tốt mà các em đã nêu ra. Những ý kiến của các em thể hiện sự tự tin, độc lập suy nghĩ với đầy đủ tính năng động, sáng tạo. Nhiều em mạnh dạn nêu lên những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà các em đã quan sát, cảm nhận được tại địa phương mình.
Tạo điều kiện cho trẻ em được tham vấn ý kiến
Ngoài mô hình CLB QTGCTE, một số mô hình khác có liên quan đến bảo vệ trẻ em đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh như Diễn đàn trẻ em, Thăm dò ý kiến trẻ em, Hội đồng trẻ em… Các mô hình này đi vào hoạt động nề nếp và ngày càng có chất lượng, hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Năm 2022, ngành sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm vận động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em để thực hiện các quyền của trẻ em. Chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hiện công tác QTGCTE; tạo điều kiện cho trẻ em được tham vấn ý kiến, tham gia vào các chương trình, kế hoạch của địa phương, của nhà trường. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên các cấp làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phấn đấu 100% cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã có hiểu biết và kỹ năng thực hiện QTGCTE. Cán bộ chính quyền các cấp, cán bộ đoàn, phụ trách đội, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hiểu biết và kỹ năng thực hiện QTGCTE…
“Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn chặn kịp thời nguy cơ phát sinh xâm hại, bạo lực, lạm dụng lao động trẻ em, vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ em”, bà Hiền cho biết thêm.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/88/271334/tao-co-hoi-cho-tre-em-len-tieng.html