Tạo cơ hội, công bằng trong tiếp cận giáo dục

Tiếp nối những thành công cũng như kết quả đạt được trong các niên học trước, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục TP. Cần Thơ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ TRẦN THANH BÌNH đã trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về phương hướng, giải pháp của ngành để tạo sức bật cho giáo dục thành phố trong năm học mới.

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã đạt được trong năm học vừa qua?

 Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP. Cần Thơ Trần Thanh Bình. Ảnh: Vũ Châu

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP. Cần Thơ Trần Thanh Bình. Ảnh: Vũ Châu

- Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Cụ thể, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh được ngành đặc biệt quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, đổi mới, góp phần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp của học sinh. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học cơ bản được củng cố, kiện toàn, bảo đảm chất lượng và nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động dạy học, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.

Mạng lưới trường lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân thành phố. Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Năm học 2023 - 2024, số học sinh giỏi cấp quốc gia và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đều tăng so với năm học 2022 - 2023. Song song đó, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng công tác quản lý và chất lượng giáo dục. Việc xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh, kết nối với Kho dữ liệu dùng chung của thành phố đã cung cấp các chức năng cần thiết giúp lãnh đạo các cấp điều hành, chỉ đạo kịp thời trong công tác giáo dục và đào tạo.

- Ông có thể cho biết đâu là những hạn chế, khó khăn mà ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần phải sớm khắc phục?

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bước vào năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng đang đối diện với một số khó khăn như: việc tuyển dụng viên chức tại một vài quận, huyện chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển dụng, vì thế một số cơ sở giáo dục bị động trong sắp xếp, phân công giáo viên giảng dạy.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô trường lớp ở một số địa phương chưa đạt theo quy định; một số ít cơ sở giáo dục chưa bảo đảm đủ các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục.

Việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương đến nay vẫn chưa thực hiện được do chưa có các văn bản của các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về tổ chức đấu thầu in ấn, phát hành tài liệu. Ngoài ra, công tác xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia ở một số quận, huyện gặp khó khăn do thiếu quỹ đất; một số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT diện tích hẹp, chưa bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26.5.2020, của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

- Vậy, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thưa ông?

- Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đề ra phương hướng tiếp tục thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; kiên trì vì mục tiêu chất lượng giáo dục; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; đổi mới quản trị nhà trường; xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo của người học; tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học; bảo đảm các cơ sở giáo dục đạt mức tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định; huy động nguồn lực, ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Từ định hướng đó, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo theo hướng tăng cường rà soát, kịp thời tham mưu thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy, UBND thành phố về lĩnh vực giáo dục và tiến hành việc đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục hướng đến mục tiêu tạo cơ hội và sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú; phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật...

Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, ngành tiếp tục phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng và từng bước nâng cao chất lượng trên cơ sở phát huy dân chủ, tôn trọng sáng tạo của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp. Đồng thời, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, nhân viên, người học.

Cùng với việc tăng cường công tác, quản lý để sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được phê duyệt, chú trọng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và thực hiện đúng quy định các khoản thu đầu năm học và trong năm học; tăng cường quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý đối với các khoản thu theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Châu thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-co-hoi-cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-post391078.html