Tạo cơ sở tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò bảo vệ người lao động

Với đa số đại biểu tán thành, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành, nhằm khắc phục một số hạn chế, đáp ứng tốt hơn hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới cũng như phù hợp với Hiến pháp 2013. Điều này sẽ giúp tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò chăm lo cuộc sống người lao động.

Bổ sung nhiều điểm mới

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Theo đó, so với luật hiện hành, Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số điểm mới như: người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đồng thời, Luật bổ sung quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; xác định và phân định rõ “Công đoàn Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, quy định rõ 4 cấp công đoàn và khẳng định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động”.

 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Luật cũng bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, Luật Công đoàn quy định vẫn tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

Luật cũng bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân lao động

Với những điểm mới, sửa đổi, bổ sung trong Luật Công đoàn, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, thành viên Ban soạn thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho biết: đây là việc làm cần thiết để khắc phục một số tồn tại, đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới cũng như phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn", giúp cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa Ngô Thế Anh, việc quy định về chức năng giám sát, phản biện xã hội sẽ giúp tổ chức công đoàn khẳng định, thể hiện rõ hơn vị thế của một tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động. Từ đó, các cán bộ công đoàn cũng cần hiểu và nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phát huy hiệu lực của Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, cần chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về các quy định của luật và các vấn đề liên quan, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho người lao động trong mọi hoàn cảnh; đào tạo, tăng cường kỹ năng giám sát, phản biện, và quản lý tài chính cho cán bộ công đoàn để đáp ứng yêu cầu của Luật mới; tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động; đổi mới phương thức nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn để các hoạt động của công đoàn đáp ứng được yêu cầu của Luật mới, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Từ phía các công đoàn cơ sở, việc Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua đem đến những tín hiệu tích cực trong quá trình hoạt động tại doanh nghiệp. Bởi, việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để tổ chức công đoàn hoạt động đã thực sự thể hiện việc người lao động được quan tâm, chăm lo tốt hơn rất nhiều khi công đoàn ngày càng lớn mạnh và phát triển. Từ đó, cán bộ công đoàn từ cấp cơ sở cũng cần quán triệt sâu sắc việc sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, bảo đảm vai trò chăm lo tối đa nhất cho người lao động. Có như thế, người lao động mới có thể tin tưởng và tham gia, dành niềm tin cho công đoàn.

Bên cạnh đó, quy định về chức năng giám sát của công đoàn đã quy định cụ thể hơn quyền chủ động thực hiện giám sát, góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, giúp công đoàn thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.

Hải Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-co-so-to-chuc-cong-doan-thuc-hien-tot-hon-vai-tro-bao-ve-nguoi-lao-dong-post398091.html