Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp
Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao lập thân, lập nghiệp cùng những ý tưởng sáng tạo, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã mạnh dạn thử sức mình với các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên phát huy năng lực trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.
T ốt nghiệp ngành Chăn nuôiThú y, Trường Đại học Nông lâm Huế, được một công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhận vào làm cán bộ kỹ thuật với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nhưng anh Nguyễn Thành Được ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng quyết định nghỉ việc trở về quê mở trang trại chăn nuôi gà với quyết tâm xây dựng thương hiệu gà sạch của riêng mình. Tận dụng mảnh vườn của gia đình, anh Được xây dựng 2 khu chuồng trại nuôi thương phẩm và 1 khu úm gà khép kín. Bình quân một lứa nuôi từ 3,5-4 tháng, trừ chi phí mỗi năm thu từ 120-150 triệu đồng”, anh Được cho biết. Mặc dù chỉ mới hơn 2 năm đi vào hoạt động nhưng với sự nỗ lực của mình, cùng với sự động viên, giúp đỡ của đoàn thanh niên, chính quyền địa phương, thương hiệu gà sạch Nguyễn Thành Được được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Trở về quê lập nghiệp sau hơn 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, anh Võ Văn Vũ ở thôn Thi Ông, xã Hải Hưng, huyện Hải Hăng đã gom tất cả số tiền mà mình dành dụm được để đầu tư xây dựng gia trại chăn nuôi tổng hợp với các vật nuôi có giá trị kinh tế như bồ câu Pháp, lợn và gà thương phẩm. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Đoàn Thanh niên xã tổ chức; nắm vững kỹ thuật và chịu khó chăm sóc nên đàn vật nuôi của anh sinh trưởng tốt. Trung bình mỗi năm anh xuất bán hơn 150 cặp bồ câu Pháp sinh sản, 1.500 con gà và hơn 400 con lợn, mang lại doanh thu gần 500 triệu đồng. “Hiện nay, phát triển kinh tế nông nghiệp với người trẻ không dễ, đặc biệt là chăn nuôi. Do vậy, để thực hiện mô hình gia trại này, tôi phải đi khắp nơi để học hỏi quy trình chăn nuôi, phương thức kiểm soát dịch bệnh lẫn tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Theo tôi, khó khăn trong việc phát triển kinh tế đối với những người trẻ là yếu tố kinh nghiệm, đôi khi tính cách bộc trực, nôn nóng cũng khiến họ dễ thất bại. Và để thành công với mô hình mà mình tâm huyết, mỗi một người trẻ phải dành thời gian để đúc rút kinh nghiệm, tìm cho mình một hướng đi phù hợp, đúng đắn”, anh Vũ chia sẻ.
Hiện toàn tỉnh có 3 tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế, 676 mô hình kinh tế trong thanh niên cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có 472 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ năm 2020 đến nay, các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ đoàn, ĐNTN về khởi nghiệp được các cấp bộ đoàn tập trung đẩy mạnh, tạo khí thế mới cho ĐVTN về lập thân, lập nghiệp. Đã tổ chức 11 lớp tập huấn thương mại điện tử, trang bị kiến thức kinh doanh, kỹ năng mềm cho thanh niên khởi nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho thanh niên chủ các mô hình phát triển kinh tế trên toàn tỉnh thu hút hơn 2.000 ĐVTN tham gia; chỉ đạo các đơn vị đoàn cấp huyện tổ chức 8 diễn đàn “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp”, 1 cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp sinh viên”; phối hợp với Sở KH&CN và các đơn vị liên quan triển khai cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị năm 2020”. Hằng năm, Tỉnh đoàn còn tổ chức cho thanh niên là chủ các mô hình kinh tế, câu lạc bộ phát triển kinh tế tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, khởi nghiệp do Trung ương Đoàn và Sở KH&CN tổ chức; tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn ĐVTN tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn tổ chức, từ đó xây dựng môi trường và cơ hội cho ĐVTN cụ thể hóa những ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Nhằm đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN, Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp. Tăng cường phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả tại địa phương. Tổ chức các sàn giao dịch việc làm, lớp học nghề cho thanh niên nông thôn. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp nhằm tạo cơ chế, nguồn lực hỗ trợ, thu hút, tập hợp thanh niên hăng hái đi đầu thực hiện chương trình khởi nghiệp và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời thúc đẩy, khuyến khích, xây dựng tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm giàu chính đáng trong thanh niên.
Phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp ĐVTN lập thân, lập nghiệp, Tỉnh đoàn thường xuyên hướng dẫn các cấp bộ Đoàn trong tỉnh rà soát, khảo sát các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên có nhu cầu vay vốn triển khai mô hình, trên cơ sở đó, đề xuất Ngân hàng CSXH tỉnh hỗ trợ giải ngân vốn vay cho các dự án. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn chủ động khảo sát, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện trong thẩm định, giải ngân vốn cho các dự án thanh niên. Qua đó hỗ trợ 75,1 tỉ đồng vốn vay cho 322 mô hình, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp do thanh niên làm chủ, nâng tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng CSXH qua kênh đoàn thanh niên lên 317 tỉ đồng/ 2/2021; định hướng cho thanh niên triển khai 26 dự án vay vốn theo chương trình 120 kênh Trung ương Đoàn với tổng dư nợ 1,1 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong Tháng Thanh niên năm 2021, các cấp bộ đoàn - hội đã tích cực tổ chức các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho thanh niên như: Phối hợp với Ngân hàng CSXH các cấp giải ngân cho 50 mô hình thanh niên phát triển kinh tế; ký kết chương trình phối hợp với Sở KH&CN về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức chương trình “Chuyến xe khởi nghiệp”; thành lập và tổ chức các diễn đàn “Gặp gỡ Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế”; tham quan, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công... Qua đó, tổ chức đoàn-hội không chỉ làm cầu nối cho thanh niên vay vốn, mà còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học-kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi nghiệp thành công.
Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu nhấn mạnh: “Để tổ chức đoàn thực sự là người bạn đồng hành của thanh niên, hỗ trợ thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp; tạo môi trường, kết nối các kênh để hỗ trợ ĐVTN về nguồn vốn, kiến thức, máy móc, thiết bị, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, Tỉnh đoàn sẽ xúc tiến thành lập mạng lưới kết nối thanh niên khởi nghiệp trong toàn tỉnh để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong hành trình lập thân, lập nghiệp”.