Tạo đà phát triển mạnh mẽ cho đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 16/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến về triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ trong Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu với chủ đề '3 năm triển khai Nghị quyết 'thuận thiên': Biến thách thức thành cơ hội phát triển'.
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách.
Thực tiễn 3 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng là 7,9% cao nhất trong 4 năm trở lại đây (bình quân cả nước là 6,76%%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt gần 16 tỷ USD. Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành năm 2019) đạt khoảng 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước. Tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 1/3 của vùng và 34,6% GDP ngành nông nghiệp của cả nước. An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển.
Theo đó, tổng số vốn đầu tư cho ĐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016-2020). Đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200,000 tỷ, trong đó, ngân sách trung ương gần 90.000 tỷ; ngân sách địa phương là 115.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 28.200 tỷ đồng, Giao thông vận tải là 32.961 tỷ đồng, Bộ Y tế 947,5 tỷ đồng, Bộ Công Thương đầu tư cấp điện nông thôn 615 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu qua Bộ Tài nguyên và Môi trường là 5.256 tỷ đồng…Hỗ trợ đầu tư có mục tiêu 42.322 tỷ đồng; Trái phiếu Chính phủ 20.673 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của WB và các đối tác phát triển, tổng số vốn đầu tư hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho các chương trình dự án đã và đang hỗ trợ cho vùng ĐBSCL tính đến năm 2019 vào khoảng 2,48 tỷ USD (57.400 tỷ đồng).
“Hiện nay, Chính phủ xem xét thông qua Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với số vốn 1,05 tỷ USD. Riêng Bộ GTVT đã đề xuất chủ trương đầu tư 38 dự án cho ĐBSCL với số vốn 94.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025”, ông Tăng Thế Cường cho hay.
Theo GS, TS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, tuy đã và đang đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc triển khai Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế như: Sự thiếu chủ động trong liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực còn chưa tương xứng với kỳ vọng...
Theo đó, cần sớm quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để lôi kéo được sự tham gia của đối tác trong và ngoài nước mà các địa phương và người dân là thành tố quan trọng nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng về việc các cộng đồng được hưởng lợi và những đối tượng chịu thiệt hại khi quy hoạch tổng thể như thế nào, đồng thời lắng nghe, tận dụng vốn kiến thức của người dân địa phương trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, thời gian tới, khi tình trạng xâm nhập mặn, mất phù sa diễn ra ngày càng mạnh, GS, TS Trần Thục cho rằng cần có chiến lược tập trung dồn lực phát triển cho các thành phố lớn, các vị trí quan trọng càng sớm càng tốt, trong đó xem xét chấp nhận tổn thất diện tích đất bị xâm nhập mặn để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL vì vẫn phải trong khuôn khổ phát triển chung của đất nước nên việc lập hội đồng điều phối vùng chính là nền móng ban đầu, từ đó tháo gỡ rào cản, giải phóng nguồn lực cho sự phát triển của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Sau 3 năm triển khai nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí kinh phí để triển khai các dự án cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự...
Nhiều dự án trọng điểm kết nối hạ tầng cơ sở cũng đã được triển khai, gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, dự án kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long...