Tạo đà vững chắc
(HNM) - Những con số về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã gây ấn tượng mạnh trên nhiều mặt báo và diễn đàn Quốc hội. Dự báo, nền kinh tế nước ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển; là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới...
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới rơi vào giai đoạn “mất đà”, với gần 90% nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn trong năm nay, thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam xét trên cả 4 mặt (lạm phát, cán cân xuất - nhập khẩu, bội chi và nợ công, lao động và việc làm) đều ổn định và tiến triển tốt. Nhận định này được phần lớn đại biểu Quốc hội đồng tình tại phiên thảo luận ở tổ (chiều 22-10) về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Có được thành quả này là do cả hệ thống chính trị đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Công tác điều hành của Chính phủ có nhiều đổi mới, chú trọng việc xử lý những vấn đề lớn như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, nguồn vốn...
Kết quả này là “bệ phóng” để tạo đà cho việc hoàn thành kế hoạch năm 2019 và 2020. Đặc biệt, 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 nên việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 không chỉ có ý nghĩa của một năm, mà còn góp phần vào thành công cho cả một giai đoạn. Vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục nỗ lực, chung sức, đồng lòng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian còn lại của năm 2019 không nhiều, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt những giải pháp để hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Những vấn đề trọng tâm, là "điểm nghẽn" cần hóa giải là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung giải quyết tốt những vấn đề dân sinh... Trong đó, vấn đề cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bộ, ngành, địa phương là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để tạo động lực mới phát triển kinh tế tư nhân.
Hiện nay, cùng việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của Nhà nước, với một nền kinh tế có độ mở lớn, cộng đồng doanh nghiệp phải tìm hướng đi và vươn lên khẳng định mình. Đặc biệt, với khối doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục tạo dựng thế và lực mới, cộng hưởng với các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Điều quan trọng là các doanh nhân, doanh nghiệp phải "dám nghĩ, dám làm", tận dụng tốt cơ hội khi nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để vươn lên lớn mạnh, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới.
Song, ở chiều ngược lại, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp có sự phát triển bứt phá. Với tinh thần nỗ lực phấn đấu để “năm sau phải tốt đẹp hơn năm trước”, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười một (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Trong năm 2020 phải tiếp tục “Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi”.
Những chỉ đạo đã rõ nét, các cấp, ngành cần nêu cao trách nhiệm, tính chủ động... để tạo đà vững chắc, làm “bệ phóng” phát triển. Khi có được sức mạnh tổng hòa, đất nước sẽ phát triển bền vững xuyên suốt như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đề ra.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/948554/tao-da-vung-chac