Tạo đầu ra cho hàng Việt trên 'sân nhà' từ việc khắc phục những điểm yếu

Động thái xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT) hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung, được xem như một cách để khắc phục điểm yếu của các sàn TMĐT địa phương. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi phân phối hiện đại trong nước vẫn phải tiếp tục cải thiện giữa lúc khó khăn này.

Vào ngày 21/7, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023.

Khắc phục điểm yếu của sàn TMĐT địa phương

Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt cập nhật những thông tin thiết thực nhất các dịch vụ hoàn tất đơn hàng trên thị trường TMĐT nội địa và gặp gỡ các chuyên gia, DN hàng đầu trong lĩnh vực này như: Lazada, EMS, Grab, Vietnam Post, Netco, Fado, VietGuys,...nhằm tìm kiếm hướng kết nối đầu ra cho sản phẩm và những cơ hội hợp tác kinh doanh.

Do khó khăn đầu ra nên nhiều mặt hàng Việt vốn được bày bán trong siêu thị đã phải “xuống phố” để kích cầu tiêu dùng.

Ngoài ra, để tạo sự giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong cả nước vào thời gian tới, Cục TMĐT và kinh tế số đang triển khai đề án xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ trung ương đến địa phương.

Cơ quan này cho rằng việc xây dựng sàn TMĐT hợp nhất là phù hợp với yêu cầu thiết thực của các DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn quốc và phù hợp với mục tiêu về hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT. Nhất là trước thực trạng hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trên các sàn TMĐT của các địa phương còn nhiều hạn chế, hoạt động kém hiệu quả.

Thực trạng kém hiệu quả của sàn TMĐT ở các địa phương cũng đã từng được VnBusiness phản ánh. Đó là khi xét về vị trí xếp hạng Alexa (thước đo chuẩn mực trên toàn cầu để đánh giá độ uy tín và hấp dẫn của website) thì các sàn TMĐT của những tỉnh, thành phố ở Việt Nam hầu hết đang được xếp vị trí…ở hàng triệu. Trong khi đó, một số sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam, như Shopee đang đứng ở thứ hạng 487, Lazada là 1.572, Tiki là 1.606, Sendo là 11.283.

Do các sàn TMĐT ở địa phương mới dừng ở mức trang thông tin điện tử cung cấp thông tin thương nhân và sản phẩm, hoạt động không hiệu quả nên chưa giúp được nhiều cho hàng Việt trong bối cảnh đầu ra gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Điều này có thể thấy rõ từ con số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng…

Cho nên, động thái xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung có thể là một hướng đi thích hợp hơn.

Bởi lẽ, như nhận định của Bộ Công Thương, TMĐT đang tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người sản xuất. Nhiều DN có tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng TMĐT, trong đó có sự tham gia của nhiều DN nhỏ và vừa.

Cải thiện kết nối chuỗi phân phối hiện đại

Tuy nhiên, để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước thông qua TMĐT, Ts. Nguyễn Nhật Minh (Đại học RMIT) nhấn mạnh điều cần làm là phải có mô hình kinh doanh bền vững, cơ sở hạ tầng bền vững, nguồn nhân lực số chất lượng cao, công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng TMĐT, như lưu ý của Ts. Minh, chi phí logistics chiếm khoảng 10-20% giá thành sản phẩm. Để tối ưu hóa chi phí, các DN trong nước có thể cân nhắc áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và blockchain.

Cũng theo vị chuyên gia RMIT, sự phát triển của TMĐT song hành với sự trưởng thành của thế hệ Z (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) ở Việt Nam – một thế hệ người tiêu dùng mới với những đặc trưng riêng, dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong hành trình mua sắm. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua sắm thông minh hơn. Họ tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm tinh tế hơn và mong chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn thay vì chỉ “săn” ưu đãi giảm giá đơn thuần.

Ngoài việc khắc phục điểm yếu của các sàn TMĐT địa phương thì việc đưa hàng Việt qua các kênh phân phối hiện đại trên “sân nhà” tiếp tục cho thấy còn nhiều vấn đề mà các DN trong nước cần cải thiện tốt hơn.

Như băn khoăn của ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc siêu thị GO! ở tỉnh Bình Dương, đó là việc nộp hồ sơ chào hàng của những DN nhỏ và vừa mất nhiều thời gian vì không đầy đủ. Bao bì sản phẩm của DN cũng không bắt nhịp xu hướng của thị trường, do đó đôi khi không đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, khó qua được khâu kiểm duyệt để chào hàng.

Còn theo ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam (Gigamall), trong thời gian đầu việc tiếp cận của các nông sản địa phương với chuỗi phân phối, siêu thị có thể sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông Huy cho rằng điều mà phía siêu thị cần từ các nhà cung cấp địa phương là những sản phẩm đã được chứng nhận, có các giấy tờ pháp lý liên quan đến an toàn thực phẩm một cách rõ ràng. Tức là tất cả những việc mà các DN, hợp tác xã đã làm.

Những nhận định gần đây cho thấy tiêu dùng cá nhân ở trong nước vẫn sẽ còn yếu đi vào nửa cuối năm do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trên diện rộng, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng có thể tăng trong năm tới khi nền kinh tế phục hồi.

Mặc dù đang có những biện pháp hỗ trợ tích cực để khơi thông đầu ra cho hàng Việt, thế nhưng “cơn gió ngược” trong ngắn hạn vẫn còn đó. Các DN sẽ phải tiếp tục vật lộn để giải phóng hàng tồn kho dư thừa do nhu cầu tiêu dùng còn thấp.

Việc cải thiện tình hình không thể ngay tức thì, để thị trường trong nước là điểm sáng hỗ trợ cho hàng Việt thì vẫn còn cần những giải pháp có tính dài hơi, khắc phục những điểm yếu, tạo ra nhiều hướng liên kết. Điều quan trọng còn lại là hàng Việt phải bắt nhịp đúng xu hướng người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tao-dau-ra-cho-hang-viet-tren-san-nha-tu-viec-khac-phuc-nhung-diem-yeu-1094037.html