Tạo 'đề kháng' cho tân sinh viên
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, các chiêu thức lừa đảo sinh viên, nhất là tân sinh viên càng ngày càng tinh vi.
Trang bị kỹ năng sống để sinh viên năm một “tỉnh táo” trong môi trường mới được nhiều trường đại học chú trọng.
Tạo sức “đề kháng”
Từ Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), chị Nguyễn Thị Vân cùng con trai là Nguyễn Hoài Nam nhập học ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng. “Cho con đi học xa nhà, tôi lo cho sự an toàn của con, có tránh được những cám dỗ để tập trung học hay không. Con ở nhà ngoan, nhưng biết đâu xa gia đình là ham bạn ham bè. Rồi bao nhiêu chiêu trò lừa đảo nhắm vào sinh viên năm đầu như làm thêm trên mạng, kinh doanh đa cấp…”, chị Vân chia sẻ.
Đưa cháu ngoại đi nhập học, ông Nguyễn Văn Thích (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) liên tục dặn cháu đừng ham kiếm tiền. “Ba mẹ làm công nhân, nhà còn một đứa em đang đi học nữa. Gia đình cũng khó khăn nên tôi sợ cháu đi làm thêm mà chưa có kinh nghiệm gì, dễ bị lừa”, ông Thích bộc bạch.
Dễ tin người, thiếu kinh nghiệm sống, muốn trải nghiệm và khám phá… đã khiến nhiều tân sinh viên sa chân vào bẫy bán hàng đa cấp, làm thêm online… nếu không đủ tỉnh táo và bản lĩnh. Lê Thùy Trang - sinh viên Trường ĐH Duy Tân kể: “Em được mời làm cộng tác viên của trang bán hàng online. Công việc của em là bình luận dưới các bài đăng để đặt mua hàng, sau đó chuyển khoản vào một số tài khoản được thông báo.
Trong ngày, số tiền em chuyển để thanh toán cho việc mua hàng ảo được chuyển trả lại vào tài khoản của em, cộng thêm tiền phần trăm của lệnh đặt mua hàng”. Chỉ vài ngày đầu, Trang được thanh toán đầy đủ, số tiền cho mỗi đơn hàng cũng chỉ vài trăm nghìn. Nhưng khi số tiền lên tới 3 triệu đồng thì Trang không được chuyển trả lại. Tài khoản mạng xã hội của người tìm Trang mời làm cộng tác cũng không thể liên hệ được.
Trong tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khóa, ngoài nội dung thuộc về quy định chung như các quy chế, chế độ chính sách sinh viên cần biết; thông tin về thời sự - chính trị - xã hội, quy chế học vụ…, các trường đại học đều có thêm chuyên đề nhằm tăng cường kỹ năng xã hội cho tân sinh viên.
Trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ định hướng cho sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Phòng Công tác sinh viên dành riêng một buổi có chủ đề về những trải nghiệm hữu ích cần có. Trong đó, một số nội dung được nhấn mạnh gồm cảnh báo về “cạm bẫy” mà tân sinh viên thường mắc phải và nền tảng giúp GenZ tạo ra nguồn thu nhập hợp pháp.
Từ một số câu chuyện có thật đã giúp sinh viên rút ra kinh nghiệm cho mình trước các tổ chức đa cấp bất hợp pháp, những cạm bẫy, chiêu trò lừa đảo núp dưới bóng trung tâm giới thiệu việc làm… Đặc biệt, sinh viên cần tỉnh táo với lời mời làm cộng tác viên làm việc online, mua hàng ảo chuyển tiền thật…
An toàn trên không gian mạng
Anh Bùi Tiến Hiệp - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nội dung liên quan đến kiến thức, quy định của pháp luật, nhà trường mời báo cáo viên đến nói chuyện, trao đổi với tân sinh viên. Các em sẽ được cung cấp kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong điều kiện sống xa gia đình, ở môi trường hoàn toàn mới mẻ”.
Nhiều hoạt động học tập của sinh viên được các trường đại học tận dụng lợi thế của hình thức trực tuyến để duy trì. Vì vậy, các ứng dụng trên không gian mạng vẫn được sinh viên sử dụng để phục vụ học tập, nghiên cứu, trao đổi trong làm việc nhóm…
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, các chiêu thức lừa đảo, nhất là tân sinh viên càng ngày càng tinh vi. Không ít em nhận được lời mời tham gia các dự án dưới danh nghĩa tổ chức, đội nhóm, thậm chí là phòng ban của trường đại học.
Các trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng đều khuyến cáo, khi nhận được lời mời tham gia các dự án cần tra cứu thông tin từ nguồn chính thống như sự xác nhận từ lãnh đạo hoặc đại diện phòng ban, hoặc từ tổ chức Đoàn, Hội. Tra cứu thông tin là việc tân sinh viên nên làm và phải cẩn trọng trước yêu cầu chuyển tiền để nhận việc hay gia nhập hội nhóm kinh doanh.
Lê Đăng Quốc – sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Trong tuần lễ sinh hoạt công dân, chúng em được lưu ý cần cập nhật thường xuyên và sử dụng thông tin chính thống từ website của nhà trường. Ngoài ra, cần cẩn trọng với hội, nhóm tân sinh viên tự phát. Với fanpage được lập ra dưới danh nghĩa hoạt động công tác xã hội, đội nhóm… cần đối chiếu thông tin với tổ chức Đoàn, Hội, Liên chi đoàn… Những thông tin liên quan đến cá nhân như mã số sinh viên, tài khoản, ID đăng nhập cần tuyệt đối bảo mật”.
Những kỹ năng, kiến thức căn bản được hình thành từ Tuần lễ định hướng, cùng với hoạt động bổ trợ từ câu lạc bộ, đội nhóm sẽ góp phần tạo sức “đề kháng” cho tân sinh viên. Không chỉ tránh được những sai lầm không đáng có, các em còn tập trung tốt cho mục tiêu học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng trong những năm tháng học tập ở giảng đường đại học.
Ngày 16/6/2021, Công an quận Liên Chiểu bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an thành phố Đà Nẵng thụ lý việc một nữ sinh viên bị lừa hơn 800 triệu đồng bằng thủ đoạn giả danh Cảnh sát giao thông điện thoại yêu cầu xử lý phạt nguội vi phạm giao thông. Cụ thể, sáng 8/6, N.T.N.Y (24 tuổi, sinh viên tạm trú tại ký túc xá phía Tây phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhận được cuộc gọi tự xưng là CSGT thông báo chị bị phạt nguội. Sau đó, một số máy điện thoại khác gọi cho chị Y tự xưng là điều tra viên Công an thành phố Đà Nẵng yêu cầu giải trình về tài sản, nguồn gốc tiền bạc trong tài khoản. Bị dọa khởi tố, bắt giam, chị Y sợ hãi làm theo hướng dẫn, đăng nhập thông tin tài khoản vào một đường link, cùng nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 8049. Sau đó, 837 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Y đã... biến mất.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-de-khang-cho-tan-sinh-vien-post653435.html