Tạo điện năng từ sóng biển

Đó là ý tưởng sáng tạo, thiết thực, mang tính khoa học cao vừa được Phạm Công Triều và Phạm Lê Khải (lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tôn, Hội An, Quảng Nam) cụ thể hóa qua Thiết bị tạo năng lượng điện bằng sóng biển. Sản phẩm đã được hội đồng khoa học đánh giá cao và xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho khối THPT và giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2016-2017.

N ói về sản phẩm, thầy Nguyễn Đức Nhân, giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Lê Thánh Tôn, người trực tiếp hướng dẫn tạo ra sản phẩm cho biết: "Thiết bị có ưu điểm là gọn, nhẹ nhưng lại mang tính sáng tạo rất cao. Trong bất kể môi trường nào sản phẩm cũng đều tạo ra được điện năng phục vụ việc thắp sáng từ sóng biển". Để có được sản phẩm hoàn chỉnh Triều và Khải đã dày công nghiên cứu, mày mò, tìm hiểu thông tin từ sách, vở và mạng xã hội. "Điện năng chính là năng lượng vô cùng cần thiết với đời sống con người. Tuy nhiên, không phải ở đâu, hoàn cảnh nào cũng đều có điện. Cụ thể như ở những vùng sâu, xa hay hải đảo. Trong một chuyến tham quan đảo Cù Lao Chàm (Hội An) em biết được nhu cầu sử dụng điện của người dân ở đây là rất lớn nhưng nhà máy phát điện cung cấp không liên tục khi được một thời gian lại tắt rồi bật lên", Triều cho biết. Xuất phát từ thực tiễn đó Triều cùng Khải đã nảy sinh ý tưởng chế tạo sản phẩm tạo điện năng từ sóng biển, phục vụ nhu cầu người dân sống xa đất liền.

Triều và Khải bên sản phẩm Thiết bị tạo năng lượng điện bằng sóng biển.

Triều và Khải bên sản phẩm Thiết bị tạo năng lượng điện bằng sóng biển.

Tuy vậy, từ ý tưởng thành thực tế là không hề dễ dàng. Hai tác giả đã vấp phải những khó khăn khi nguồn tài liệu hỗ trợ việc chế tạo sản phẩm tạo điện năng từ sóng biển ở Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu là tài liệu nước ngoài khiến các em phải nhờ bạn bè phiên dịch. Qua 4 tháng tháo gỡ từng khó khăn, sản phẩm cũng dần dần hoàn chỉnh với nguyên lý hoạt động xoay quanh các mô-đun chuyển hóa thành điện năng. Một mô-đun thu năng lượng sóng biển rồi chuyển hóa thành động năng quay của bánh đà với thiết kế theo hai trường hợp khác nhau gồm nước cạn và nước sâu.

Một mô-đun truyền động chuyển động quay qua lại của khung quay thành chuyển động tròn theo chiều của trục quay và bánh đà. Ở mô đun này có hai bánh răng, mỗi bánh liên kết với hai vòng bi một chiều, trục quay và bánh đà. Đặc biệt, hai vòng bi này được lắp ngược chiều nhau nhằm đảm bảo trục chỉ quay theo một chiều nhất định truyền năng lượng theo hai kỳ: sóng đập vào-sóng rút ra. Thiết bị cốt lõi của sản phẩm chính là mô-đun phát điện xoay chiều một pha. Dòng điện xoay chiều sẽ từ mô-đun phát điện chạy qua một bộ chỉnh lưu và nạp vào ắc quy. "Với thiết bị này người dùng chỉ cần khởi động, cho máy xuống biển để hứng sóng thì máy có thể hoạt động rồi tự nạp năng lượng vào ắc quy. Với công suất cao nhất từ 10-12V sẽ đủ thắp sáng cho 15 đèn LED phục vụ chiếu sáng cho các hộ gia đình", Khải chia sẻ.

Tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, Ban tổ chức đánh giá đây là sản phẩm tạo năng lượng điện có tính khả thi, dễ áp dụng, phát triển nhưng chi phí thực hiện lại rẻ. Thực tế, hiện nay vấn đề đưa điện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho các người dân sống tại hải đảo, xa đất liền đang được quan tâm, hỗ trợ nhưng khó hoàn thành tốt bởi nhiều lý do khác nhau. Sản phẩm này có thể góp phần cung cấp điện năng từ nguồn "nguyên liệu" gần gũi, có sẵn. Sắp tới, nhóm tác giả sẽ hoàn thiện thêm một số bộ phận để đưa sản phẩm vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế.

Phi Nông

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_166129_ta-o-die-n-nang-tu-so-ng-bie-n.aspx