Tạo điều kiện cho các đối tượng đặc thù được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Sáng 28-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải chủ trì hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, việc ban hành dự thảo nghị quyết trên nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm… Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Cụ thể: Quy định bổ sung đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thành phố đối với 3 chương trình tín dụng. Trong đó, Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang học tại các trường đại học hoặc tương đương đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật); hộ gia đình có vợ/chồng là người dân tộc thiểu số/người mù/người khuyết tật, hoặc có vợ/chồng đã chết; hộ gia đình có thành viên là người có công theo quy định của pháp luật về người có công.

Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường gồm: Hộ gia đình cư trú tại thị trấn thuộc huyện và phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn thành phố chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm gồm: Người lao động có việc làm đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc trên địa bàn thành phố được Cục Thống kê thành phố công bố theo từng năm.

Đại biểu phản biện tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Đại biểu phản biện tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Tổng nguồn kinh phí dự kiến đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng đặc thù nói trên trong năm 2025 là khoảng 700 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 3.900 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần thiết phải xem xét bổ sung các đối tượng được tiếp cận và hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Một số đại biểu cũng nhấn mạnh, nghị quyết này sẽ là “món quà” thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố khi Luật Thủ đô được thực hiện đồng thời cho rằng, việc bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay là rất đúng thời điểm, cần thiết, đúng định hướng về an sinh xã hội của thành phố cũng như đặc thù của Thủ đô trong việc tạo công ăn, việc làm và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan dự thảo nghị quyết cần phân tích, tính toán thêm tổng số nhu cầu vốn vay của từng nhóm đối tượng và tổng số vốn dự kiến cho năm 2025, các năm từ 2026-2030. Bên cạnh đó, cần dự kiến tính đúng, tính đủ nhu cầu nguồn vốn từ ngân sách thành phố và ngân sách huyện phù hợp với số lượng, đối tượng được vay để cân đối nguồn vốn mà ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố có thể đáp ứng được. Dự thảo nghị quyết cần làm rõ thêm tiêu chí hoặc tiêu chuẩn của đối tượng cho vay là hộ gia đình và người lao động ở thành phố. Tờ trình của UBND thành phố nên bổ sung báo cáo sơ kết hoặc thông tin kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 2-3 năm gần đây để tìm ra hướng đi đúng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu và khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện nghị quyết và nỗ lực xây dựng các cơ chế chính sách hướng tới người dân trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thành phố luôn xác định gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội và quan điểm tư tưởng này phải đi vào thực chất. Việc ban hành nghị quyết quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là đúng thẩm quyền, chức năng, thủ tục; đồng thời nhấn mạnh sự quyết tâm của các cấp, ngành trong thực hiện nghị quyết đóng vai trò quan trọng để nghị quyết đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân.

Để nghị quyết sau khi hoàn thiện đi vào cuộc sống, thành phố sẽ phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành; đưa chuyển đổi số vào công tác cho vay vốn; đặc biệt công khai minh bạch, đẩy mạnh giám sát để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương thống nhất cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết bởi tính ưu việt, hợp với lòng dân, phù hợp với điều kiện tài chính hiện nay của thành phố. Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn; nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chênh lệch giàu nghèo…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng lưu ý cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện phải có kế hoạch chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát; đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng, tránh phát sinh tiêu cực; cùng đó có đánh giá tác động tới các giới, đối tượng thụ hưởng… Cơ quan soạn thảo cần sớm hoàn thiện hồ sơ, những nội dung chưa đủ căn cứ đề nghị phản hồi lại Hội đồng tư vấn nhằm tạo môi trường cởi mở, chân thành, bảo đảm nghị quyết khi ban hành đem lại hiệu quả tốt nhất.

Các ý kiến góp ý sẽ được MTTQ Việt Nam thành phố tiếp thu, tổng hợp báo cáo cơ quan chuyên môn.

Nguyên Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-dieu-kien-cho-cac-doi-tuong-dac-thu-duoc-tiep-can-nguon-von-tin-dung-uu-dai-676108.html