Tạo điều kiện cho các xã biên giới vươn lên thoát nghèo

Xác định rõ, để xây dựng huyện vững mạnh toàn diện, bên cạnh việc củng cố hệ thống chính trị thì phát triển KT-XH các xã biên giới đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn đã triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân các xã biên giới phát triển; để người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chính sách. Nhờ đó, đến nay, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, an sinh xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn khởi sắc, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Nuôi bò vỗ béo giúp gia đình anh Vàng Nỏ Páo, thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có thu nhập ổn định.

Nuôi bò vỗ béo giúp gia đình anh Vàng Nỏ Páo, thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có thu nhập ổn định.

Huyện Đồng Văn có 9 xã biên giới. Giờ đây, đến các các thôn, xã biên giới của huyện, chúng tôi đều nhận thấy rõ sự thay đổi rõ rệt: Những con đường bê tông nông thôn thẳng tắp; những mái nhà kiên cố ngày càng nhiều hơn; hầu hết các hộ trong thôn đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng sự đổi thay đó là những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự cố gắng của mỗi người dân nơi đây.

Sà Phìn là một trong những xã biên giới của huyện Đồng Văn, vượt qua những khó khăn như thiếu nước, thiếu đất canh tác, tận dụng những chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, Nhà nước; người dân trong xã đã không ngừng nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế. Tới thăm gia đình anh Vàng Nỏ Páo, thôn Lũng Hòa A (nông dân tiêu biểu của xã) mới thấy hết sự kiên trì bám đất, bám bản của người dân các xã biên giới. Phát triển kinh tế theo quy mô gia trại nhỏ với 5 con bò, 5 nái lợn, 10 con dê, trên 100 đôi bồ câu và đàn gà, ngan trên 100 con đã giúp gia đình anh thu về trên 200 triệu mỗi năm. Anh Páo chia sẻ: “Gia đình tôi còn nấu rượu, vợ may trang phục dân tộc đi bán tại các chợ nữa nên thu nhập khá ổn định. Nếu trông chờ vào những nương ngô thì cả đời cũng chưa chắc đã xây được nhà”.

Đồng chí Hầu Mí Say, Chủ tịch UBND xã Sà Phìn, cho biết: Xã không có lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng trồng trọt do thiếu nước, thiếu đất canh tác. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền đã hướng người dân chăn nuôi bò vỗ béo và phát triển nghề may mặc trang phục truyền thống. Chợ Sà Phìn là lợi thế lớn của xã, người dân có thể trao đổi, buôn bán, giao thương dễ dàng. Nhờ định hướng đúng đắn, người dân trong xã có thu nhập ổn định hơn, nhiều hộ đã thoát nghèo, tích cực chung sức xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, một số thôn đã thoát khỏi tình trạng thôn đặc biệt khó khăn.

Được biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế, các xã biên giới của huyện Đồng Văn đều xác định thế mạnh của địa phương, cụ thể như: Phố Bảng tập trung phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch; Lũng Táo, Phố Cáo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng dược liệu; Sà Phìn tận dụng lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ và chăn nuôi bò vỗ béo,… Với những chủ trương, chính sách phù hợp, đến nay, đời sống người dân các xã biên giới của huyện đã có những chuyển biến tích cực: Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt trên 99%; 100% hộ có người ốm đau được đưa đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; trên 90% hộ dân được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...

Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Để thúc đẩy các xã biên giới của huyện phát triển đồng đều; bên cạnh các nhiệm vụ chính trị như đảm bảo an ninh xã hội, an ninh - quốc phòng, UBND các xã, thị trấn chủ động xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm phát triển của địa phương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh của mình. Đồng thời vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Trung ương, của tỉnh như Quyết định 1151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020... Đặc biệt, chú trọng tới việc chọn lọc kỹ lưỡng các mô hình phát triển kinh tế mang lại giá trị kinh tế cao để triển khai thực hiện và nhân rộng. Huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ làm chuồng trại cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng Nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững; đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu; nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202011/tao-dieu-kien-cho-cac-xa-bien-gioi-vuon-len-thoat-ngheo-767370/