Tạo điều kiện cho lao động di cư tiếp cận an sinh xã hội
Ngày 27-10, hội thảo trao đổi và chia sẻ khoa học 'Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam' do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (SISS), Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net) và AMRC - tổ chức phi chính phủ về các vấn đề lao động châu Á phối hợp tổ chức diễn ra tại TPHCM.
Các đại biểu đã thảo luận về đề tài an sinh xã hội cho người lao động di cư, trong đó nhấn mạnh đến lao động di cư trong khu vực phi chính thức. Theo đó, lao động di cư đang đóng góp một phần đáng kể cho nền kinh tế, song những chính sách an sinh xã hội vẫn còn những khoảng trống và còn bỏ ngỏ nhóm đối tượng này.
Theo trình bày của đại diện Tổng cục Thống kê, hiện nay khu vực Đông Nam bộ có tỷ lệ lao động di cư cao nhất cả nước (20,4%). Trong đó, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ lao động di cư cao nhất (35,8%), tiếp đến là TPHCM (22,6%). Lý do di cư chính là tìm việc, bắt đầu công việc mới.
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến, đại diện M.net cho biết, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam có 4 trụ cột, gồm: Việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho các nhóm đặc thù; dịch vụ xã hội cơ bản.
Nhưng hiện nay việc tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội của lao động di cư vẫn còn những rào cản. Chẳng hạn, chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) chưa hấp dẫn người lao động, khi chỉ có 2 chính sách dài hạn là bảo hiểm hưu trí và tử tuất; thời gian đóng dài, nam phải đủ 60, nữ phải đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng mới được hưởng; nơi mua BHXHTN gắn liền với nơi đăng ký thường trú; thủ tục còn rườm rà, mất thời gian. Hiện M.net đã xây dựng đề án BHXHTN, xây dựng đề xuất 3 gói Bảo hiểm ngắn hạn bổ sung vào BHXHTN (thai sản, ốm đau, trợ cấp gia đình/trẻ em)…
GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì các phiên thảo luận về tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam; tác động của dịch Covid-19 đến việc làm, thu nhập của người lao động và chính sách hỗ trợ đảm bảo sàn an sinh xã hội...
Trả lời câu hỏi của các khách mời, GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng trong 4 trụ cột an sinh xã hội, thì người lao động di cư, phi chính thức trước tiên cần đến trụ cột việc làm, thu nhập; tiếp đến là bảo hiểm.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận các nội dung về chất lượng sống của người nhập cư ở TPHCM, hỗ trợ tiếp cận thông tin phúc lợi xã hội với nhóm lao động Khmer nhập cư; làm thế nào để đảm bảo sàn an sinh xã hội cho người lao động di cư trong bối cảnh tác động của Covid-19..
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tao-dieu-kien-cho-lao-dong-di-cu-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-694068.html