Tạo điều kiện để dân giám sát công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền
Cử tri đề nghị chú trọng, phát huy và tạo điều kiện để nhân dân giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên họp UB Thường vụ QH sáng nay, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, cử tri, nhân dân phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường kiểm soát quyền lực.
"Nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm", ông Lềnh nhấn mạnh.
Tạo điều kiện để nhân dân giám sát công tác cán bộ
Tuy nhiên, cử tri cho rằng, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở.
Tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn có hiệu quả; còn để xảy ra tình trạng người vi phạm trốn ra nước ngoài trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn. Việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức.
"Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.
Cử tri đề nghị hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để nhân dân, MTTQ và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ.
"Đặc biệt là tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm", ông Lềnh nói.
Cử tri cũng phản ảnh về tình trạng nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt mà kéo dài nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Điển hình như một số công trình, dự án: dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội ở Hà Nội; Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM.
Cử tri đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu...
Cùng với đó, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, vòi vĩnh gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN.
Thông tin kịp thời mức độ ô nhiễm môi trường để dân chủ động
Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cử tri, nhân dân phản ánh mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM ở mức đáng báo động, nguy hại đến sức khỏe con người.
Cụ thể, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9/2019 cho thấy chất lượng không khí từ ngày 3-20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần.
Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương, trước hết là TP. Hà Nội, TP.HCM khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí", ông Lềnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cử tri cũng bức xúc về tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc phản ứng của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.
Cụ thể là vụ cháy tại công ty cổ phần bóng đèn - phích nước Rạng Đông sử dụng thủy ngân có độc tính cao hơn so với viên Amalgam.
Dư luận bức xúc trước việc không công bố đúng sự thật: “Từ năm 2016 công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hợp của Hg-Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kilôgram”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường cho thấy lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1- 27,2kg.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu đông dân cư", Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Cử tri cũng lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, người quản lý dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh như vụ việc xảy ra trường Gateway khiến 1 học sinh tử vong; vụ việc trường mầm non Đô rê mi, Bắc Ninh làm 1 học sinh bị hôn mê…