Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp

Bằng nhiều giải pháp tích cực, thời gian qua, huyện Triệu Phong đã tạo môi trường thông thoáng, hiệu quả để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần tăng tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

 Nhiều dự án tại Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử gấp rút xây dựng để đưa vào sử dụng kịp tiến độ. Ảnh: KKS

Nhiều dự án tại Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử gấp rút xây dựng để đưa vào sử dụng kịp tiến độ. Ảnh: KKS

Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có 2 Cụm công nghiệp, gồm Cụm công nghiệp Ái Tử đã đi vào hoạt động ổn định và Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, Cụm công nghiệp Ái Tử có 11 doanh nghiệp đầu tư dự án với các ngành nghề sản xuất mộc mỹ nghệ, dân dụng; cưa xẻ, chế biến gỗ rừng trồng; sản xuất than hoạt tính; sản xuất viên nén gỗ; sản xuất bao bì; có 9 dự án sản xuất, kinh doanh ổn định, thu hút trên 500 lao động có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, đóng góp vào ngân sách nhà nước hằng năm trên 5 tỉ đồng; Cụm công nghiệp Đông Ái Tử được hình thành năm 2009, trên cơ sở từ sân bay cũ Ái Tử được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển từ đất quốc phòng sang dân sự để phát triển kinh tế - xã hội, với tổng diện tích hơn 34,64 ha. Để thu hút các nhà đầu tư đến với các cụm công nghiệp, thời gian qua, huyện Triệu Phong đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện tốt chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất khi doanh nghiệp vào đây…Trong đó, nhiều dự án đã và đang triển khai tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư về miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Trong các chính sách đó, có Nghị quyết số 08 “Về phát triển CN - TTCN và thương mại- dịch vụ đến năm 2015, có tính đến năm 2020”; nghị quyết thông qua đề án “Một số chính sách hỗ trợ phát triển CN - TTCN, thương mại- dịch vụ giai đoạn 2018 - 2021”. Ngoài ra, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt trong việc tạo quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện công tác đầu tư thuận lợi.

Nhờ địa phương tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp đến đầu tư, đến nay, Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với các ngành nghề may mặc, mộc mỹ nghệ - mộc dân dụng, gia công bề mặt ván, sản xuất thiết bị điện, khí công nghiệp, chế biến nông lâm sản và dược liệu. Trong đó, 16 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 732 tỉ đồng. Có 14 doanh nghiệp đã được giao đất tại thực địa, trong đó có 7 doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy, 3 doanh nghiệp đang san ủi mặt bằng chuẩn bị xây dựng nhà máy. Nhiều nhà máy có tổng vốn đầu tư lớn như Nhà máy may Triệu Phong của Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ gần 110 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV gỗ Đức Hùng Quảng Trị hơn 6 tỉ đồng; Công ty cổ phần Khí công nghiệp oxy Vinh 14,5 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI VINA Quảng Trị 463 tỉ đồng… Dự kiến các nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Sau khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 6.000 lao động. Trong đó, riêng Nhà máy may Triệu Phong 1.500 lao động, Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI VINA Quảng Trị 3.500 lao động.

Ông Trần Kim Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV gỗ Đức Hùng Quảng Trị cho biết: “Để dự án nhà máy gỗ ghép thanh và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng của công ty chúng tôi triển khai thuận lợi và đi vào hoạt động theo đúng cam kết, UBND huyện Triệu Phong đã hỗ trợ đơn vị các thủ tục đầu tư cũng như bàn giao mặt bằng “sạch” rất kịp thời. Vì vậy, mấy tháng nay công ty huy động mọi nguồn lực về máy móc, nhân lực để thi công công trình, hiện các hạng mục của dự án đã hoàn thành hơn 90% và sẽ sớm đi vào hoạt động”.

Công tác đào tạo nghề nhằm tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương cũng được huyện Triệu Phong chú trọng. Riêng trong năm 2019 Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã đào tạo được 21 lớp với gần 600 học viên học nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện tích cực kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Đông Ái Tử. Các hạng mục cơ sở hạ tầng của cụm đã được trung ương, tỉnh quan tâm bố trí kinh phí, triển khai cơ bản hoàn thiện nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Đến thời điểm này đã có hơn 90% diện tích của cụm đã được các nhà đầu tư đăng ký và đã triển khai thực hiện. Các thủ tục cho thuê đất, cấp phép chủ trương đầu tư cơ bản hoàn thiện. Một số dự án của doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH dệt may Thời Đại, Công ty TNHH Pooing Vina Quảng Trị đã triển khai động thổ và đặc biệt Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, nhất là trong công tác quản lý lao động, xử lý môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án để đưa vào hoạt động theo kế hoạch. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đề xuất các cấp, các ngành chức năng xử lý, giải quyết, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, đóng góp xây dựng các Cụm công nghiệp trên địa bàn hoạt động có hiệu quả và bền vững”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147983