Tạo điều kiện để trẻ em mạnh dạn lên tiếng
Trẻ em các địa phương tham gia thảo luận tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Ảnh: KIM CHI
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em nêu lên ý kiến, nguyện vọng của mình, Phú Yên đã triển khai nhiều nội dung về quyền trẻ em như: Lồng ghép việc tham vấn ý kiến trẻ em vào chương trình “Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh”, “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ thiếu nhi tiêu biểu”…
Toàn tỉnh hiện có 9 câu lạc bộ (CLB) quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) và 1 CLB phóng viên nhỏ. Các CLB có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến Luật Trẻ em, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập ngoại khóa…
Đáp ứng nguyện vọng của trẻ em
Bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên viên Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Các CLB QTGCTE ra đời đáp ứng được nguyện vọng của trẻ em tham gia vào các vấn đề về quyền trẻ em. Đây cũng là nơi các em có thể bày tỏ ý kiến của mình. Qua sinh hoạt CLB, các em được tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền, bổn phận của trẻ em, được rèn luyện kỹ năng sống và phát huy QTGCTE theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.
Tại Trường THCS Võ Trứ (huyện Tuy An), CLB QTGCTE được thành lập từ năm 2016. Qua thời gian hoạt động, CLB này vẫn duy trì sinh hoạt với 30 thành viên từ các khối lớp 8, lớp 9. Tại các buổi sinh hoạt, các em chọn chủ đề để cùng nhau thảo luận, trao đổi. Em Đỗ Tấn Ngọc cho biết: “Thông qua sinh hoạt CLB, chúng em có cơ hội tìm hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền trẻ em để thực hiện cho đúng bổn phận của mình. Bên cạnh đó, mỗi năm Đoàn trường đều tổ chức Diễn đàn trẻ em và chương trình văn nghệ. Đây là hoạt động rất bổ ích. Tại diễn đàn này, chúng em được nói lên tiếng nói của mình trước những vấn nạn của xã hội như: xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động trẻ em, tình trạng đuối nước ở trẻ em…”.
CLB QTGCTE Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa) hiện có hơn 30 học sinh tham gia sinh hoạt. CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thu hút các thành viên tham gia. Em Đàm Thị Bích Trâm, thành viên CLB, bày tỏ: “Em rất hứng thú khi tham gia sinh hoạt CLB này. Qua CLB, em được hiểu thêm về quyền, bổn phận của trẻ em, các nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ em lang thang, cơ nhỡ, lao động sớm… Ngoài ra, em còn tham gia nhiều hoạt động thú vị khác do nhà trường tổ chức”. Thầy Lương Văn Bừa, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thế Bảo, cho biết: Với các em học sinh, được tham gia các hoạt động ngoại khóa là rất bổ ích. Qua các buổi sinh hoạt, các tổng phụ trách đội, giáo viên có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của các em, giúp các em phát triển tốt về thể chất, tinh thần…
Tăng cường hoạt động truyền thông
Chương trình thúc đẩy QTGCTE vào các vấn đề về trẻ em được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình này, ý kiến của các em đã được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể giải đáp trực tiếp, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện. Từ đó tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Từ khi Luật Trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của trẻ em thông qua các chương trình, hoạt động của mình. Hiện có rất nhiều mô hình đang được thực hiện trong thực tế, như diễn đàn trẻ em các cấp, CLB QTGCTE… Những mô hình đó đều cho thấy, trẻ em có quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách qua nhiều hình thức khác nhau với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của người lớn, từ đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thúc đẩy QTGCTE, giúp các em có cơ hội bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Tuy Hòa, chia sẻ: Thời gian qua, TP Tuy Hòa thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn đàn trẻ em để các em có thể bày tỏ ý kiến của mình. Có thể thấy, mô hình này đã thật sự là cầu nối, là nơi đối thoại giữa người lớn và trẻ em. Những ý kiến của các em đã thể hiện sự tự tin, độc lập suy nghĩ với đầy đủ tính năng động, sáng tạo. Nhiều em mạnh dạn dám nêu lên những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà các em đã quan sát, đã cảm nhận được tại địa phương mình.
“QTGCTE là một chương trình có ý nghĩa quan trọng với trẻ em. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, năm 2023 tỉnh tiếp tục xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Qua đó từng bước giảm số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; giảm khoảng cách chênh lệch và điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em, trẻ em giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em” - bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của chương trình thúc đẩy QTGCTE là tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Cụ thể, tỉnh sẽ xây dựng các tài liệu định hướng truyền thông, các sản phẩm truyền thông về QTGCTE trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục về QTGCTE thường xuyên, liên tục hàng năm, nhất là vào các đợt cao điểm như: Tháng hành động vì trẻ em, sinh hoạt hè; các dịp lễ tết, ngày Quốc tế Thiếu nhi… Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ tiếp tục phối hợp các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các mô hình: Diễn đàn trẻ em, CLB QTGCTE, các chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng, thực hiện và các mô hình khác trong chương trình thúc đẩy QTGCTE giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, toàn ngành cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em; huy động thêm nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em... Nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm QTGCTE cho các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em. Trong đó, chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ đoàn - đội, cha mẹ và học sinh; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện QTGCTE.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40%; 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp; 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về QTGCTE.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297314/tao-dieu-kien-de-tre-em-manh-dan-len-tieng.html