Tạo điều kiện thuận lợi để ngành đóng tàu Khánh Hòa phát triển

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đến kiểm tra tình hình sản xuất của Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS), sáng 27/5.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc HVS cho biết trong hành trình hơn 27 năm phát triển, doanh nghiệp ngày càng khẳng định uy tín không chỉ trong thị trường khu vực mà còn trên thế giới về chất lượng cao, đúng tiến độ, thái độ trách nhiệm trong lĩnh vực đóng tàu.

Từ khi chuyển sang đóng mới (năm 2008) đến nay, công ty đã bàn giao 175 tàu, bao gồm tàu hàng với tải trọng đến 75.000 tấn và tàu dầu đến 110.000 tấn cho các khách hàng trên toàn thế giới như: Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Đan Mạch, Singapore…

Toàn cảnh Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam. Ảnh: Đức Thảo

Toàn cảnh Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam. Ảnh: Đức Thảo

Theo ông Toàn, năm 2023, HVS đã bàn giao 13 tàu, doanh thu 558 triệu USD. Theo kế hoạch năm 2024, HVS sẽ bàn giao 15 tàu, doanh thu 608 triệu USD, tăng 9% so với năm 2023, đến nay đã bàn giao 6 tàu cho khách hàng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo HVS cho biết có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng yêu cầu đóng các loại tàu có trọng tải lớn và đa dạng hơn. Công ty xây dựng thêm 1 cầu tàu 200m, mở rộng ụ tàu số 1 thêm 120m.

Cùng với đó, đề xuất kéo dài thời hạn hoạt động của dự án thêm 20 năm, lên không quá 70 năm phù hợp với quy định nhằm có định hướng đầu tư lâu dài.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang khảo sát Nhà máy. Ảnh: Đức Thảo

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang khảo sát Nhà máy. Ảnh: Đức Thảo

Sau khi trực tiếp khảo sát, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao về quy mô, năng lực của nhà máy, "xứng đáng là một trong những nhà máy đóng tàu tốt nhất Việt Nam", thành công này không nhiều doanh nghiệp có thể làm được, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu đang gặp khó khăn như hiện nay.

Với vai trò là Bộ chủ quản của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - đơn vị góp 30% cổ phần của nhà máy), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải mong muốn HVS sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đầu tư nhiều trang thiết bị nhằm phục vụ cho kế hoạch mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh đóng tàu với quy mô lớn hơn nữa, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị lãnh đạo HVS tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, đảm bảo môi trường trong và ngoài nhà máy.

Liên quan đến những đề xuất của HVS về kéo dài thời hạn hoạt động của dự án thêm 20 năm, lên không quá 70 năm phù hợp với quy định, Thứ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải và SBIC hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Phía Bộ sẽ sớm làm việc với tỉnh Khánh Hòa có phương án hỗ trợ, ngoài ra trong đề án phát triển năng lực đóng tàu Việt Nam, Bộ sẽ đề cập tới nội dung này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đề nghị các bên liên quan nghiên cứu mở luồng hàng hải chung ra vào, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tập trung đóng mới, phát triển.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang tại buổi làm việc với Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam. Ảnh: Đức Thảo

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang tại buổi làm việc với Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam. Ảnh: Đức Thảo

Về đề xuất mở rộng cầu cảng phù hợp với quy hoạch chung, Thứ trưởng đồng ý và gợi mở các bên lên phương án làm đê chắn sóng ngoài cửa vịnh Nam Vân Phong nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, các tàu thuyền neo đậu phía trong.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng thông báo chính thức đến HVS về việc SBIC triển khai thủ tục phá sản, quá trình này đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo quy trình, các đơn vị thành viên và SBIC sẽ nộp thủ tục phá sản lên tòa án, khi tòa mở hồ sơ và tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản, các nghĩa vụ, ưu tiên thanh toán sẽ được thực hiện theo phán quyết của tòa. Trong quá trình này, các đơn vị đang hoạt động, có các hợp đồng vẫn thực hiện bình thường.

Thứ trưởng khẳng định việc SBIC phá sản "không ảnh hưởng quá nhiều" đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HVS. "Từ khi có Nghị quyết số 220 của Chính phủ, các đơn vị thành viên vẫn đang ổn định sản xuất, ký kết hợp đồng với các khách hàng trong và ngoài nước. Chúng tôi đang nỗ lực để các doanh nghiệp đóng tàu sẽ phát triển tốt hơn khi qua chủ sở hữu mới".

Hiện SBIC sở hữu 30% vốn điều lệ của HVS, về việc này, Thứ trưởng cho rằng tòa án sẽ đấu giá công khai, đơn vị trúng đấu giá sẽ trở thành bên liên doanh mới của HVS. "Tin rằng đơn vị trúng thầu có năng lực, trách nhiệm, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan đẩy nhanh thủ tục này", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.

Liên quan đến vấn đề này, chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã làm việc với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh để triển khai Kế hoạch thực hiện chủ trương phá sản SBIC.

Trước đó, cuối năm 2023, Chính phủ quyết nghị thông qua Kế hoạch thực hiện chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024.

Việc thực hiện phá sản thực chất là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới để tạo ra cơ hội cho các công ty đóng tàu bước sang một giai đoạn mới, nắm bắt cơ hội để phát triển.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-de-nganh-dong-tau-khanh-hoa-phat-trien-322652.html