Tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân khai thác thủy sản

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại cùng ngư dân vào sáng 24/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh: 'Triển khai quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan'.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi tiếp xúc, đối thoại với ngư dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi tiếp xúc, đối thoại với ngư dân.

Có sự tham gia của hơn 100 ngư dân đang hoạt động nghề khai thác tại thị trấn Sông Đốc và 2 xã: Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), buổi tiếp xúc, đối thoại ghi nhận hơn 10 ý kiến của bà con ngư dân về 11 vấn đề như: Thủ tục đăng kiểm khi tiến hành thay máy hay cải hoán tàu cá; thiết bị giám sát hành trình bị lỗi nhưng không thể liên hệ được với nhà mạng để sửa chữa buộc phải đem tàu vào bờ, khiến tổn thất cho ngư dân rất lớn; hỗ trợ cước phí dịch vụ thiết bị giám sát hành trình; chuyển đổi nghề khai thác ven bờ;…

Đại diện các sở, ngành và hơn 100 ngư dân tham gia buổi tiếp xúc, đối thoại.

Đại diện các sở, ngành và hơn 100 ngư dân tham gia buổi tiếp xúc, đối thoại.

Cụ thể, ông Phạm Hoàng Lê, Khóm 8, thị trấn Sông Đốc, cho rằng: "Đối với tàu cá câu mực dưới 15m theo quy định là phải hoạt động vùng lộng. Tuy nhiên, từ tháng 4-6, tàu câu mực ở vùng lộng không hiệu quả do nước đục, mà chỉ ở vùng khơi mới có mực. Nếu bắt buộc phải khai thác vùng lộng thì gần như chắc chắn buộc các tàu mực phải nằm bờ trong khoảng thời gian này. Ngoài ra, về đăng kiểm, khi chủ tàu đã tiến hành đổi máy đòi hỏi quá nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian và khó khăn".

Ông Nguyễn Việt Triều, Chi cục phó phụ trách Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau, thông tin: "Các quy trình đăng kiểm phải theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, việc đăng kiểm tiến hành về tập trung về một điểm. Bà con ngư dân phải kiểm tra hạn đăng kiểm của tàu cá để đưa tàu đến nơi đăng kiểm theo quy định. Ngoài ra, việc khai thác theo vùng cũng là những quy định của pháp luật. Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đang xây dựng kế hoạch để chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân ".

Toàn tỉnh hiện có 4.118 tàu cá, với 100% tàu cá đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định; 93,83 % tàu cá còn hạn Giấy phép khai thác; 81,18% tàu cá còn đăng kiểm; 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh được cập nhật trên các phần mềm quản lý Quốc gia theo quy định. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 528 tàu cá “3 không”. Các tàu cá này đã được lập danh sách theo dõi và tuyên truyền để chủ tàu thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, tàu cá mất kết nối trung bình khoảng 8%, trong đó trong bờ chiếm 6%, ngoài khơi 2%. Đối với tàu cá mất kết nối trong bờ, địa phương kiểm soát, số hóa đạt trên 95%.

Bà con ngư dân tìm hiểu về các quy định chống khai thác IUU qua tài liệu do Ban tổ chức phát.

Bà con ngư dân tìm hiểu về các quy định chống khai thác IUU qua tài liệu do Ban tổ chức phát.

Tại buổi tiếp xúc, bà con ngư dân còn được cơ quan chức năng triển khai các nội dung trong Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Ghi nhận những phản ánh của bà con ngư dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát lại các quy định; làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình xây dựng lại hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu, tiếp tục thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn để giải quyết có hiệu quả, ít tốn kém nhất cho ngư dân trong giám sát sản lượng khai thác khi vào bờ. Hướng dẫn để chủ các tàu thu mua nắm rõ cách truy xuất nguồn gốc thủy sản ngay trên biển. Rà soạt lại quy định, tham mưu UBND tỉnh để báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành nghề đặc thù đối với tàu dưới 15m. Đồng thời, rà soát lại quy định đăng ký đăng kiểm để thực hiện nghiêm việc quản lý chất lượng tàu cá; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân.

“Trong điều kiện làm nghề đã khó, lại phải tuân thủ các quy định ngày càng nghiêm ngặt, rất mong trong thời gian tới, bà con thực hiện đúng quy định của Nhà nước về khai thác thủy sản. Chính quyền phải tiến hành hỗ trợ bà con ngư dân và chính bà con cũng phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau thông qua các tổ chức hội nghề nghiệp để hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững hơn”, ông Lê Văn Sử mong muốn.

Nguyễn Phú – Chí Diện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-ngu-dan-khai-thac-thuy-san-a33641.html