Tạo điều kiện về nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, như: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường từ nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn, Công ty TNHH BambooVn, xã Hà Ninh (Hà Trung) đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Những năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh luôn chủ động tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu vay vốn, có dự án khả thi để kịp thời đầu tư nguồn vốn, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Hằng, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, cho biết: Thời gian gần đây, việc tiếp cận nguồn vốn tại các ngân hàng khá thuận lợi, ngân hàng tìm đến khách hàng chứ khách hàng không còn phải tìm đến ngân hàng như trước kia. Nhất là sự hỗ trợ về lãi suất thông qua các gói tín dụng ưu đãi đã giúp doanh nghiệp từng bước ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đang được Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Thanh Hóa tạo điều kiện cho vay hơn 2 tỷ đồng tiền vốn để mở rộng kinh doanh. Hiện nay doanh nghiệp có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực huy động nguồn vốn, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ, gói vay ưu đãi phù hợp với đặc thù, quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, như: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường từ nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đồng thời, chủ động tiếp cận các dự án lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng, cảng biển, hạ tầng. Điển hình, như: Dự án Trung tâm Chế biến nông sản công nghệ cao Lam Sơn với số tiền 248 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng với số tiền 2.735 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp số 3 - Khu Kinh tế Nghi Sơn với số tiền 700 tỷ đồng; Dự án xây dựng bến số 3, 4, 5 Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn với số tiền 700 tỷ đồng... Nhờ đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và thị trường.
Tính đến 31-8, toàn tỉnh có 7.312 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 38.914 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã chủ động tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ cho 1.238 khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với số tiền 79 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 70 khách hàng, với dư nợ 584 tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích khác cho doanh nghiệp, như: Dịch vụ tài khoản, tiền gửi, dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình trao đổi, thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về nguồn vốn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Công thương - Chi nhánh Sầm Sơn (Vietinbank Sầm Sơn), cho biết: Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Vietinbank Sầm Sơn đã từng bước giảm lãi suất cho vay, triển khai nhiều chương trình, nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp, như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đưa ra các gói sản phẩm tiện ích, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp mới; doanh nghiệp vay vốn trung, dài hạn... Miễn phí một số sản phẩm/dịch vụ trong thời gian đầu để doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ, như: Dịch vụ ngân hàng điện tử, tài trợ thương mại, chuyển tiền tại quầy, chi trả lương, dịch vụ thu hộ, giúp khách hàng mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, để đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng, Vietinbank Sầm Sơn thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận, truyền thông về chính sách nộp thuế điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thẻ tại các địa phương... nhằm giúp các doanh nghiệp/cá nhân tiếp cận gần hơn với công nghệ, tiết giảm chi phí và thời gian giao dịch. Tính đến 31-8, đang có hơn 1.300 khách hàng doanh nghiệp đang có hoạt động giao dịch với Vietinbank Sầm Sơn với dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khai thác tốt nguồn vốn, cân đối tài chính, tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi, lãi suất cho vay hợp lý; đa dạng các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng.