Tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển

Để tiếp tục thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp tục phối hợp xây dựng các đề án trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm ban hành các chính sách để tạo động lực cho phát triển ngành nông nghiệp.

 Sản phẩm gạo sạch Triệu Phong tham gia các phiên trưng bày, giới thiệu sản phẩm - Ảnh: T.L

Sản phẩm gạo sạch Triệu Phong tham gia các phiên trưng bày, giới thiệu sản phẩm - Ảnh: T.L

Theo đó, các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn từng bước đổi mới phát triển phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Công tác chuyển đổi hình thức quản lý của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sang công ty cổ phần hoặc công ty TNHH một thành viên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu để chủ động hội nhập và nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế mới.

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các địa phương đã chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, sản xuất theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, đặc biệt có sự phối hợp liên kết “4 nhà” trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Năm 2020, ngành cũng tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình hợp tác liên kết với Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Tập đoàn Quế Lâm, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh. Kết quả, đã có trên 1.200 ha lúa liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ngoài ra, ngành còn thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc phát triển vùng chanh leo xuất khẩu với diện tích 75 ha vào cuối quý 3/2020 tại huyện Hướng Hóa và một số địa phương khác như các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong. Các diện tích chanh leo đã trồng hiện nay phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt khoảng 30 tấn/ha, thu nhập bình quân ước đạt trên 300 triệu đồng/ha, thu lãi ròng từ 100-150 triệu/ha.

Bên cạnh đó, ngành đã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ nhiều địa phương phát triển các mô hình mới như trồng sâm Bố Chính tại các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Đakrông, Cam Lộ. Phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau thủy canh, trồng dưa lưới, trồng rau mầm đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp với với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) triển khai mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong và triển khai xây dựng khu sản xuất thử nghiệm trồng dưa lưới quy mô 2.000 m2 tại huyện Vĩnh Linh.

Cùng với đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tiếp tục kết nối, đồng hành với các doanh nghiệp như Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh; Công ty Cổ phần giống cây trồng Thừa Thiên Huế; Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị; HTX Nông sản sạch Triệu Phong… để ký hợp đồng với nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ 640 ha lúa trong vụ hè thu 2020, trong đó có gần 200 ha lúa hữu cơ. Phối hợp với Công ty TNHH cây giống Bảo Nguyên tổ chức hội nghị định hướng phát triển cây sầu riêng và cây bơ, qua đó định hướng phát triển cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Theo dự kiến trong thời gian tới, Công ty TNHH cây giống Bảo Nguyên sẽ phối hợp với một số địa phương trong tỉnh để tiến hành trồng mới một số vườn sầu riêng, bơ với diện tích mỗi loại 50 ha…

Đối với các lĩnh vực khác như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, ngành nông nghiệp cũng có sự liên kết, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các lĩnh vực tiếp tục phát triển. Trong lĩnh vực thủy sản, ngành đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kêu gọi, ký kết với các doanh nghiệp có thế mạnh về khoa học công nghệ, có thị trường tiêu thụ, xuất khẩu như: Công ty Camimex (Cà Mau), Công ty Đắc Lộc (Phú Yên)... để thu hút đầu tư vào nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, ngành chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ 27 nhà đầu tư trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án. Qua đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ việc công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp cho các đơn vị sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp để tạo nguồn giống đạt tiêu chuẩn, có phẩm chất tốt đưa vào phục vụ cho sản xuất cây giống để trồng rừng.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện toàn tỉnh có 112 trang trại chăn nuôi nuôi lợn, bò và gia cầm, trong đó có 4 HTX chăn nuôi, 48 trang trại chăn nuôi gia công (liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi), 64 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận trang trại, 3 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhằm khôi phục, phát triển đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, ngành nông nghiệp đang triển khai xây dựng đề án khôi phục và phát triển đàn lợn sau dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời tiếp tục vận động, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi nhằm đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Để tiếp tục tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hợp tác, liên kết với nhà các đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ tiếp tục hợp tác với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc để tiêu thụ sản phẩm quả chanh leo, xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời huy động các nguồn lực liên kết, mở rộng diện tích trồng chanh leo đến cuối năm 2020 đạt trên 75 ha (bao gồm nguồn nhà nước hỗ trợ và nguồn lực của người dân chủ động liên kết với doanh nghiệp). Chủ động liên kết, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư và sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản), tập đoàn Do Holdings. Phối hợp các địa phương kết nối với các doanh nghiệp liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản; tiếp tục theo dõi, đánh giá các mô hình liên kết trên địa bàn từ đó làm định hướng tổ chức, phát triển sản xuất nông sản trong năm 2021.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151621