Tạo động lực đưa Đắk Nông phát triển, bứt phá
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII xác định mục tiêu 'Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên'.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông chia sẻ với phóng viên về nỗ lực tăng tốc, bứt phá của tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Phóng viên: Trong hơn nửa nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII gắn với Chương trình số 64-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, với nhiều chuyển biến tích cực. Xin đồng chí chia sẻ về dấu ấn nổi bật?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Giai đoạn 2021-2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 7,73%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 21,2%/năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 10.635,39 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Về kết cấu hạ tầng: tỷ lệ nhựa hóa chung đường tỉnh đạt 70%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%; tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới đạt 83%. Tổng số lao động được tạo việc làm 57.285 lượt người; đào tạo nghề cho 14.676 người.
Để tạo nguồn lực đầu tư phát triển, tỉnh chú trọng cải cách thể chế, tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Các chỉ số PCI, cải cách hành chính của tỉnh liên tục thăng hạng từ đầu nhiệm kỳ; đặc biệt năm 2023, chỉ số PCI tăng 17 bậc, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Đây là lời cam kết mạnh mẽ về sự đồng hành, cùng phát triển của tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến Đắk Nông tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đến nay, ngành công nghiệp alumin - nhôm đã dần định hình, khẳng định vai trò dẫn dắt trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đã đầu tư Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, sau hơn 6 năm vận hành, đạt 4,46 triệu tấn, doanh thu 35.502 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3.754 tỷ đồng. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, giai đoạn 2020-2022, đã đưa vào sử dụng 1 dự án nhà máy điện gió Đắk Hòa công suất 50MW.
Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị. Toàn tỉnh hiện có 83.000ha cây trồng ứng dụng công nghệ tiên tiến, tổng diện tích sản xuất tiêu chuẩn trong năm 2023 tăng 656,8ha, lũy kế hiện có 29.286,56ha; 96 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, năm 2023 đạt 6,76%, đứng thứ nhất Tây Nguyên và đứng thứ 2 cả nước.
Xác định du lịch là một ngành kinh tế giàu tiềm năng, Đắk Nông đã đầu tư 20 cơ sở kinh doanh du lịch và nhiều mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch trải nghiệm. Khai thác Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; giáo dục, y tế có bước phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhờ kiên trì thực hiện các giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường, tạo môi trường chính trị ổn định để phát triển.
Phóng viên: Đắk Nông là tỉnh đầu tiên của vùng Tây Nguyên trình Quy hoạch tỉnh đồng thời tích cực kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành, thể hiện tầm nhìn chiến lược. Xin đồng chí chia sẻ vai trò quan trọng của công tác quy hoạch và dự án đường cao tốc, gắn phát triển của tỉnh với vùng Tây Nguyên?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý rất quan trọng, để tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới, theo hướng nhanh và bền vững, với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên. Tỉnh khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong triển khai. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Quy hoạch, trong đó chú trọng hợp tác công-tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, quản lý tốt sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) là một trong bốn trục hành lang kinh tế của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy liên kết vùng giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Được sự ủng hộ của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, ngày 28/6/2024 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đầu tư, mở ra cơ hội phát triển mới cho Đắk Nông.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ phá thế độc đạo về kết nối giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển đoạn từ Đắk Nông đi Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn phía nam; thúc đẩy ngành logistics, nhất là trong vận chuyển nông sản, thực phẩm, alumin, nhôm, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; đồng thời, giao thông thuận lợi, giúp thu hút thêm lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đắk Nông, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Phóng viên: Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Đây là cách làm sáng tạo, riêng có của Đắk Nông, nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai; bảo đảm quyền của người dân được biết, được tham gia ý kiến, được giám sát và được thụ hưởng trong quá trình lập, triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo quy định pháp luật.
Sau khi ban hành, Quy chế đã nhanh chóng đi vào thực tiễn, được áp dụng ngay trong quá trình lập, lấy ý kiến góp ý Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch 7 huyện trên địa bàn tỉnh…
Các dự thảo Quy hoạch đều được lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức thông qua hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Đặc biệt, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được coi trọng và là khâu bắt buộc, thông qua hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn, trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, chính trị-xã hội tham gia phản biện xã hội và giám sát việc lập quy hoạch.
Việc triển khai nghiêm túc Quy chế đã góp phần phát huy trí tuệ tập thể, quyền làm chủ của nhân dân. Người dân từ chỗ nhận thức rõ đã đồng thuận, ủng hộ với các quy hoạch, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, bảo đảm quan điểm phát triển hài hòa, bền vững.
Phóng viên: Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển bền vững, năng động, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; kết hợp phát triển kinh tế với văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường của tỉnh nhà đang là đòi hỏi tất yếu?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Phát triển nhanh, hài hòa và bền vững; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội luôn là quan điểm nhất quán, xuyên suốt, đồng thời là mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông trong quá trình hoạch định, triển khai chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội qua các nhiệm kỳ. Đắk Nông không đánh đổi vấn đề môi trường, lợi ích của cộng đồng dân cư để tăng trưởng bằng mọi giá, thể hiện qua việc tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án công nghiệp chế biến bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Mục tiêu sau cùng của tăng trưởng kinh tế là đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được nâng lên tương ứng; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; môi trường được đảm bảo xanh-sạch-đẹp, đưa Đắk Nông trở thành nơi “đáng sống”. Với phương châm đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng số vốn huy động giai đoạn 2021-2025 là 1.050 tỷ đồng.
Chú trọng công tác trồng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm huy động người dân tự nguyện tham gia phủ xanh, trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 39,07%. Đặc biệt các di sản, thắng cảnh trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Vườn quốc gia Tà Đùng, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung được khoanh vùng, quản lý, bảo vệ tốt, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn với khám phá văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, qua đó góp phần cải thiện sinh kế của người dân trong vùng du lịch.
Phóng viên: Với khẩu hiệu “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, kết quả thực hiện Chương trình số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xóa đói, giảm nghèo có chuyển biến tích cực ra sao?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Với truyền thống “nhân ái, nhân văn, nghĩa tình”, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ sinh kế, chăm lo cho hộ nghèo, đối tượng chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,18%. Đây là điểm sáng trong việc chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thời gian tới, Đắk Nông xác định thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ động các nguồn lực, hỗ trợ của xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên, xây dựng chuẩn mực con người Đắk Nông trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tạo thế và lực đưa Đắk Nông bứt phá, cất cánh.
Phóng viên: Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Tỉnh sẽ tháo gỡ điểm nghẽn và tăng tốc, bứt phá thế nào để về đích, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra?
Đồng chí Ngô Thanh Danh: Nhận diện vấn đề rừng, bô xít đang là vấn đề vướng mắc nhưng cũng là động lực tăng trưởng bền vững, tỉnh Đắk Nông đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để đề xuất các biện pháp sớm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, chồng chéo liên quan quy hoạch đất rừng, quy hoạch bô xít trên địa bàn tỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khai thác chế biến bô-xít, alumin, nhôm, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông, nhất là Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước)… tạo động lực đưa Đắk Nông ngày càng phát triển trong tương lai gần.
Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu năm 2024 đề ra, với việc tiếp tục tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế: công nghiệp bô xít, alumin, nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển tiềm năng du lịch. Kiên trì thực hiện 3 đột phá chiến lược về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển toàn diện; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nội lực của từng ngành, địa phương. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... tạo động lực thúc đẩy, nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, phấn đấu xây dựng Đắk Nông thành tỉnh mạnh - dân giàu - thiên nhiên tươi đẹp - xã hội nghĩa tình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dong-luc-dua-dak-nong-phat-trien-but-pha-post843653.html